• :
  • :

Tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc đến kinh tế TP.HCM

Đó là tên hội nghị được Thành ủy TP.HCM tổ chức vào sáng 29.9. Tại đây, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã trình bày những quan điểm của mình để kinh tế tránh bị tổn thương từ cuộc chiến thương mại.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị-Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn TP.HCM.

TS. Võ Trí Thành tại Hội nghị Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Viện trưởng cho rằng cần cẩn trọng hàng tạm nhập tái xuất và ứng phó kịp thời với cú sốc tài chính.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khởi đầu từ tháng 7 khi Mỹ tăng bổ sung thuế nhập khẩu hàng từ Trung Quốc lên 50 tỉ hàng hóa nhập vào Mỹ là “chưa ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam” do hàng hóa Mỹ bổ sung thuế thuộc nhóm hàng công nghệ hiện đại, Việt Nam không tham gia. Và tại thời điểm đó, Trung Quốc cũng không ảnh hưởng lớn do từ đầu năm đến nay, nhân dân tệ cũng đã kịp phá giá lên đến 5-7%, phần nào giúp Trung Quốc “chống đỡ” một cách dễ dàng trước đòn đánh thuế quan này. Thế nhưng, đòn bổ sung 10% thuế quan lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc thì câu chuyện đã khác hoàn toàn. “Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ năm ngoái là trên 500 tỉ USD, trong khi hàng từ Mỹ vào Trung Quốc chỉ hơn 130 tỉ USD. Trung Quốc muốn trả đũa cũng không thể. Với Việt Nam, quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ, sát bên hông Trung Quốc, chắc chắn sẽ ảnh hưởng về tích cực lẫn tiêu cực. Trung Quốc là cơ hội nhưng Trung Quốc là thách thức”, TS. Võ Trí Thành nói.

Theo đó, trong ngắn hạn, nếu nhu cầu của thị trường Mỹ vẫn như cũ, khi hàng nhập từ Trung Quốc vào Mỹ giảm do thuế nhập khẩu cao, Mỹ sẽ tìm nguồn hàng từ các nước khác, cụ thể là hàng dệt may và điện tử từ Việt Nam do đây là hai mặt hàng mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều xuất khẩu sang Mỹ. Ông Thành dẫn số liệu xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến trong tháng 8 và cho rằng, hiệu ứng tích cực cho một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã được “nhìn thấy đâu đó”. Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ trong 9 tháng đạt gần 35 tỉ USD, tăng 12,5%. Đặc biệt, điện thoại và linh kiện tăng đến 46% và dệt may tăng gần 12%, da giày tăng gần 13%.

Tuy nhiên, ông Thành cũng nhắc lại cảnh báo đối với doanh nghiệp xuất khẩu thương mại là cần thiết cẩn trọng và nghiêm khắc với hàng tạm nhập tái xuất từ Mỹ đi Trung Quốc và kể cả chiều ngược lại. “Thịt bò Mỹ tạm nhập vào Việt Nam tái xuất qua Trung Quốc hay hàng sắt thép điện tử Trung Quốc tạm nhập vào Việt Nam tái xuất sang Mỹ… Không nên tham gia mấy vụ này, Bộ Công thương cũng đã cảnh báo. Chúng ta có bài học từng bị Mỹ trừng phạt áp thuế chống bán phá giá với nhôm thép, doanh nghiệp làm thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu cần chú lưu ý điều này”, ông Thành nói.

Về dài hạn, ông Thành cho là thương mại Việt Nam sẽ ít nhiều chịu tác động tiêu cực khi nền kinh tế thế giới suy giảm. Đáng chú ý, cuộc chiến tranh thương mại này gây ra tác động lớn hơn bởi nó sẽ chuyển sang cú sốc tài chính. Đó là chính sách tiền tệ của các nước lớn và nước bắt đầu tính toán lại vì giá trị và lãi suất đồng USD tăng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam muốn giữ thế cạnh tranh phải phá giá tiền đồng Việt, nếu vậy lại tạo nên áp lực kiềm chế lạm phát. “Nếu cuộc chiến leo thang, các nước tăng cường bảo hộ thương mại sẽ ảnh hưởng nặng đến Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu Việt Nam đang phụ thuộc phần lớn về tỉ giá và tăng trưởng kinh tế thế giới, xuất khẩu Việt lại phụ thuộc phần lớn nhóm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Phát biểu kết thúc buổi báo cáo, Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ đồng quan điểm với TS Võ Trí Thành là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không thuần túy là vấn đề kinh tế mà là cuộc chiến so găng về chính trị. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, khó đưa ra dự báo và đề nghị các sở ban ngành, giới chuyên môn cần theo dõi sát sao cuộc chiến thương mại 2 cường quốc để có định hướng trong điều hành kinh tế kịp thời hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN