'Cõng' trường tạm vào Khe Chữ
Một ngôi trường tạm có vách bằng ván gỗ, khung bằng thanh sắt, mái bằng bạt nhựa đã được dựng lên cấp tốc ở Khe Chữ - một thung lũng nhỏ nằm lọt bên khe suối, gần trung tâm xã Trà Vân.
Những ngày giữa tháng 11, thung lũng Khe Chữ vốn vắng vẻ, bỗng náo động bởi gần 700 người bồng bế nhau về đây chặt cây, dựng lều tị nạn thiên tai.
Nơi đây trở thành nơi trú ẩn tạm thời của người dân 3 thôn xã Trà Vân trong thời gian chờ chính quyền, bộ đội tập trung nhân lực, máy móc dọn dẹp, bố trí cho bà con một nơi ở mới lâu dài.
Ông Nguyễn Thanh Luận - bí thư Đảng ủy xã Trà Vân - cho biết do làng cũ không thể ở được, nên toàn bộ học sinh thuộc hai điểm trường (mầm non và tiểu học) ở thôn 2 cũng buộc phải dời đến Khe Chữ.
Những ngày qua là khoảng thời gian khó khăn nhất của 144 hộ dân lẫn các em học sinh, thầy cô giáo ở điểm trường Khe Chữ, xã Trà Vân.
Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, nhiều nhóm bạn trẻ thiện nguyện cùng các thầy cô đã đón học sinh tại các gia đình về điểm trường tập trung - vốn là lán trại công nhân thi công công trình xây dựng bỏ hoang bên đường.
Thầy Hồ Văn Hạnh - hiệu trưởng Trường tiểu học xã Trà Vân - cho biết từ ngày 4-11, khi mưa lũ dồn dập, toàn bộ học sinh ở xã Trà Vân đã được cho nghỉ học. Khi người dân di chuyển về Khe Chữ, việc học mới được các thầy cô tổ chức trở lại.
Anh Nguyễn Bình Nam - cán bộ Tổng công ty Điện lực miền Trung - cho biết từ những hình ảnh đau lòng ở Khe Chữ, anh và nhóm đồng sự, bạn bè đã cùng nhau phát động đợt chung tay quyên góp tiền của, công sức, tiếp sức cho Khe Chữ.
Khi hình ảnh được đưa lên Facebook, nhiều người đã góp tiền, mua quần áo, nhu yếu phẩm, lên kế hoạch trực tiếp đến Khe Chữ dựng điểm trường để học sinh học tạm.
Ông Nguyễn Thanh Luận cho biết hiện có gần 70 học sinh thuộc hai khối học mầm non và tiểu học dời về Khe Chữ.
Để giúp người dân an tâm, dồn sức dựng nhà cửa, toàn bộ số học sinh này đã được gửi cho các thầy cô trông giữ.
Hằng ngày, các thầy cô sẽ dạy chữ, nấu ăn, tắm giặt và làm vệ sinh cho các học sinh, tới tối thì được cha mẹ đón về. Ông Luận cho biết thêm hiện ngôi trường tạm đang được gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Về lâu dài, Phòng GD-ĐT huyện và UBND huyện Nam Trà My sẽ lên phương án xây dựng điểm trường kiên cố, nhưng có thể mất tới 3-4 tháng sau.
Vượt núi dựng trường
Anh Nguyễn Bình Nam cho biết sau khi quyên góp được 150 triệu đồng, anh và nhóm bạn đã lên đường vào Khe Chữ.
Nguyên vật liệu dựng trường gồm ximăng, sắt thép, bạt nhựa được đặt mua khẩn cấp, và nhờ bộ đội, người dân đi bộ 4-6km ra nơi tập kết cõng vào.
Khe Chữ nằm biệt lập, nên để có điện, các đơn vị phải vác cả máy phát điện, cõng từng thanh sắt từ hướng bên kia núi (thuộc tỉnh Quảng Ngãi) đi qua.
"Nếu thời tiết bình thường, dựng một điểm trường bằng khung sắt, lợp bạt nhựa như vậy chỉ mất khoảng 3-4 ngày. Nhưng chúng tôi mất tới hơn 10 ngày ròng rã, với sự chung tay của cả trăm con người, trường mới thành hình.
Hiện điểm trường tạm đã có một phòng học rộng khoảng 60m2 làm chỗ học cho 70 cháu nhỏ, hai giáo viên cũng được bố trí cắm chốt ở đây để bám lớp hằng ngày.
Chúng tôi đang huy động tiền để dựng thêm một số phòng chức năng, và hiện đã gom được 240 triệu đồng, đủ mua sạp ngủ cho các cháu ở lại hằng ngày, mua gạo mắm... nấu ăn cho các cháu ít nhất trong vòng 4 tháng tới" - anh Nam cho hay.
Theo Tuổi trẻ