3 căn bệnh thường nhiễm của giới khởi nghiệp tại Việt Nam
Nhận định của PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh được nêu ra tại “Sự kiện truyền thông về phát triển tài sản trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hôm 28/7 tại Hà Nội.
Theo ông Thịnh, căn bệnh đầu tiên mà giới trẻ khởi nghiệp mắc phải là chủ quan. “Các bạn học được một số kiến thức trong trường, học được một số kinh nghiệm tại các công ty và tưởng rằng với các kiến thức, kĩ năng ấy mình hoàn toàn có thể khởi nghiệp. Các bạn lại cũng tự tin vào năng lực của mình nhưng lại thiếu kĩ năng kết nối với các thành viên khác. Cho nên các bạn thất bại, thất bại vì chính cái chủ quan, rất ít lắng nghe người khác của mình”, ông Thịnh nói.
Căn bệnh thứ hai, theo ông Thịnh, là thiếu thực tế. Ông cho biết đã giảng dạy rất nhiều chương trình cho sinh viên và yêu cầu sinh viên khi có ý định khởi nghiệp phải khảo sát thị trường. Trên cơ sở khảo sát, sinh viên phải phân tích được điểm mạnh, điểm yếu, năng lực hiện tại của mình đến đâu thì mới bắt đầu làm.
“Nhưng mà không, rất nhiều bạn chỉ nghĩ qua một đêm, hai đêm là đã bắt tay vào làm. Các bạn làm thiếu thực tế, các bạn cũng không hỏi ai, thậm chí cả người thân của mình”.
Căn bệnh thứ ba là hoang phí. “Mặc dù chưa có tiền nhưng khi khởi nghiệp phải ngay lập tức có văn phòng đẹp, những bộ trang phục đẹp, xe đẹp. Các bạn quan niệm rằng nếu không oai chưa chắc đã có khách hàng nên phải oai cái đã. Chính cái đó khiến các bạn phung phí rất nhiều tiền”, ông nói.
Ông Thịnh cho biết bản thân ông đã thất bại 2 lần khi khởi nghiệp kinh doanh. Những chia sẻ trên là bài học thực tế ông đã rút ra từ chính thất bại của bản thân mình.
Chia sẻ quan điểm với PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, bà Phan Hoàng Lan (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ - Bộ Khoa học và công nghệ), người được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 30 Under 30, nhấn mạnh:
“Khi khởi nghiệp, các bạn thiếu thông tin, không tìm đến những người có thể hỗ trợ, không thực sự tìm hiểu về người dùng, không thực sự lắng nghe khách hàng và xu hướng thi trường thì thất bại là đương nhiên”.
“Với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, môi trường là môi trường mới, sản phẩm là sản phẩm mới nên dù có điều tra kỹ càng đến mấy thì thất bại vẫn là chuyện bình thường. Nhưng ta vẫn có thể đi lên sau những thất bại đó”, bà Lan nói thêm.
Theo VNF