• :
  • :

7 nguyên tắc cần tuân thủ trong quá trình dạy học phát triển năng lực học sinh

Theo GS.TS Nguyễn Đức Chính - Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), khi nói năng lực, tức là nói tới năng lực của từng cá thể học sinh. Những học sinh khác nhau sẽ có năng lực khác nhau, do chính các em tự rèn luyện, bằng những cách thức khác nhau, phù hợp nhất với từng học sinh.  

Những học sinh khác nhau sẽ có năng lực khác nhau. Ảnh minh họa/internet

Những học sinh khác nhau sẽ có năng lực khác nhau. Ảnh minh họa/internet

 

Dạy học phát triển năng lực là hướng dẫn, hỗ trợ để mỗi học sinh có thể tự rèn luyện cho mình, bằng cách của mình những năng lực còn tiềm ẩn trong mỗi cá thể học sinh.

 

Vì vậy, GS.TS Nguyễn Đức Chính - cho rằng, những nguyên tắc sau nếu được tuân thủ một cách nghiêm túc, có thể giúp các hiệu trưởng thành công trong chỉ đạo giáo viên dạy học sinh phát triển năng lực học sinh.

 

Thứ nhất, chương trình lấy việc học làm gốc, lấy người học làm chủ thể của quá trình dạy học

 

Theo GS.TS Nguyễn Đức Chính, để thực hiện được việc rèn luyện năng lực, chương trình được đặt trên nền tảng của một nguyên lý là kiến thức phải được học sinh tự kiến tạo, chứ không phải qua con đường chuyển giao, truyền đạt từ giáo viên. Một lẽ rất tự nhiên là không ai học hộ được người khác. Hơn nữa, mọi lý luận dạy học đều thừa nhận một chân lý là người học chính là kiến trúc sư của kiến thức và năng lực của chính mình.

 

Điểm then chốt của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước ta, quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới này là chương trình giáo dục phải lấy người học làm gốc, lấy sự học là điểm xuất phát của mọi quyết định.

 

Mỗi học sinh đều có thể được học những gì mình quyết định. Mỗi học sinh đều có thể được học những gì mình muốn, theo cách mình lựa chọn, theo một lộ trình và tùy theo đặc trưng tâm, sinh lý, hoàn cảnh sống của từng người dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

 

Cách thiết kế chương trình giáo dục nói chung, các môn học nói riêng, cách thức tổ chức thực hiện chương trình, phương pháp dạy học môn học, cách kiểm tra - đánh giá… phải tuân thủ nguyên lý này thì mới có thể tạo ra lớp người có năng lực thực sự, có bản sắc riêng, có hoài bão, có tầm nhìn hướng ra thế giới, làm cơ sở để tạo đào tạo nguồn nhân lực có sức cạnh tranh cao phục vụ cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

 

Thứ hai, kiến thức và năng lực bổ sung cho nhau

 

GS.TS Nguyễn Đức Chính - cho biết: Kiến thức là cơ sở để hình thành năng lực, những loại kiến thức khác nhau, tạo nguồn để học sinh có được các giải pháp tối ưu hoặc có cách ứng xử phù hợp trong bối cảnh phức tạp.

 

Khả năng đáp ứng phù hợp là đặc trưng của năng lực, tuy nhiên, khả năng đó lại được dựa trên sự đồng hóa và sử dụng có cân nhắc các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong từng hoàn cảnh cụ thể.

 

Vậy là những kiến thức có ích để rèn luyện năng lực chỉ là những kiến thức mà người học sinh năng động, tự kiến tạo, và phạm vi của năng lực trực tiếp tùy thuộc vào phạm vi và mức độ phù hợp của kiến thức mà học sinh huy động vào giải quyết vấn đề đó.

 

Sự phát triển năng lực không diễn ra theo tuyến tính, từ đơn giản đến phức tạp, từ bộ phận tới toàn thể. Năng lực được kiến tạo trên cơ sở mức độ phức tạp, đa dạng của vấn đề.

 

Điểm xuất phát để sử dụng và phát triển năng lực là toàn cảnh thách thức cần vượt qua, còn điểm đến là phương án tối ưu để giải quyết vấn đề hoặc cách ứng xử phù hợp trong tình huống đã cho.

 

Rèn luyện năng lực được tiến hành theo đường xoắn ốc, trong đó các năng lực có trước được sử dụng để kiến tạo kiến thức mới, và đến lượt mình kiến thức mới lại đặt cơ sở để hình thành những năng lực mới. Như vậy, năng lực chỉ được hình thành khi quá trình dạy học lấy việc học làm gốc.

 

Thứ ba, chỉ dạy học những vấn đề cốt lõi

 

Rèn luyện năng lực đòi hỏi phải có đủ thời gian, học sinh phải sử dụng nhiều lần, lặp đi lặp lại mới có thể tăng cường lực năng lực cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

 

Nếu chương trình tập trung rèn luyện năng lực thì cũng có nghĩa chỉ nên tập trung vào số lượng năng lực chọn lọc và lượng kiến thức tương ứng để học sinh có đủ thời gian rèn luyện, kiến tạo và phát triển những năng lực đó, không dàn trải như trong chương trình giáo dục hiện nay.

 

Việc lựa chọn cách tiếp cận theo năng lực trong trường phổ thông còn làm hàm ý trong thời gian học tập tại trường, học sinh phải được rèn luyện, kiến tạo những năng lực cho phép họ từ kiến tạo những kiến thức, kĩ năng mới để thích nghi với môi trường sống luôn thay đổi sau này. Đây chính là lý do để xác định là các năng lực xuyên suốt chương trình đào tạo với tư cách là công cụ để học tập suốt đời.

 

Thứ tư, học tích hợp

 

Thế giới hiện đại có đặc trưng là sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng trong tất cả các lĩnh vực khoa học và đời sống. Do vậy, mức độ năng lực cần thiết để thích ứng với thực tế đó cũng ngày càng tăng.

 

Và dĩ nhiên là những kiến thức đơn giản đơn lẻ được truyền đạt từ giáo viên không còn phù hợp nữa. Phải học tích hợp, học phương pháp luận, học cách kiến tạo kiến thức để rèn luyện khả năng kết hợp các nguồn kiến thức khác nhau, học sinh mới có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp trong cuộc sống lao động sau này.

 

Thứ năm, mở cửa trường phổ thông ra thế giới bên ngoài

 

Nhà trường phổ thông không phải là đích đến, mà chỉ là nơi chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng bước vào cuộc sống lao động hoặc học cao hơn.

 

Mở cửa trường phổ thông cũng là cách tốt nhất để học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng học được trong nhà trường vào giải quyết các vấn đề khác nhau đang diễn ra trong xã hội. Đây cũng là phương thức đào tạo tốt nhất để học sinh sau khi tốt nghiệp tự tin, bắt tay ngay vào lao động hoặc học cao hơn.

 

Thứ 7, đánh giá thúc đẩy quá trình học

 

Đánh giá không phải là mục đích tự thân. Học sinh không phải là để được đánh giá, nhưng họ cần được đánh giá để học tốt hơn, tiến bộ nhanh hơn, bền vững hơn.

 

Đánh giá là công cụ để học tập:Một điều quan trọng cần nhận thức đúng là đánh giá trên hết là công cụ giúp học sinh học tốt và giúp giáo viên hướng dẫn học sinh trong suốt quá trình học trong trường, tạo động lực cho học sinh tiến bộ không ngừng trong suốt quá trình học môn học.

 

Kiểm tra đánh giá phải được tích hợp vào quá trình dạy học để giúp học sinh có động lực học tập và không ngừng tiến bộ trong suốt quá trình học tập

 

Kiểm tra đánh giá trong dạy học được xem là quá trình thu thập, chỉnh lý, xử lý thông tin một cách hệ thống những kết quả học tập ở các giai đoạn khác nhau đối chiếu với mục tiêu dạy học ở từng giai đoạn và cuối cùng đối chiếu với chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục để đánh giá sự tiến bộ của người học trong từng giai đoạn, đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học và cuối cùng là đánh giá chất lượng của quá trình dạy học.

 

Kiểm tra đánh giá trong dạy học là khâu quan trọng nhất của quá trình dạy học. Kiểm tra đánh giá định hướng cho toàn bộ quá trình dạy học, tạo động lực cho người học, giúp họ tiến bộ không ngừng. Kiểm tra đánh giá còn cung cấp thông tin phản hồi hữu ích cho giáo viên, nhà quản lý, giúp điều chỉnh quá trình dạy học và quản lý để cùng đạt mục tiêu ngày càng cao.

 

* Bài viết được biên tập, lược ghi tư tham luận của GS.TS Nguyễn Đức Chính tại Hội thảo "Chuẩn hiệu trưởng và phát triển chương trình, tài liệu, tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông"

 

Theo Minh Phong (ghi) GDTĐ

TIN LIÊN QUAN

Nội dung đang cập nhật...