7 "nguyên tắc vàng" trong kinh doanh của tỷ phú Tadashi Yanai
Tadashi Yanai - nhà sáng lập, CEO thương hiệu thời trang Uniqlo. Nguồn: Forbes
Có thể nói, Tadashi Yanai, nhà sáng lập Uniqlo, là một trong những doanh nhân thành công nhất trên thế giới khi biến cửa hàng khiêm tốn của cha mình trở thành thương hiệu đứng thứ 3 toàn cầu trong lĩnh vực thời trang.
Ngay từ những ngày đầu trên thương trường, vị tỷ phú này đã sớm học hỏi, tiếp thu và định hình “công thức kinh doanh” thành công cho mình, vốn vẫn thường được ông gọi là “23 Nguyên tắc quản trị” của Tadashi Yanai. Và, cốt lõi của những nguyên tắc trên có thể được bày tỏ thông qua 7 điều sau:
1. Khách hàng là “hạt nhân” của kinh doanh
Ưu tiên số một được đề cập đến trong các quy tắc của Yanai là: “Đáp ứng nhu cầu khách hàng và tạo khách hàng mới”. Mục tiêu này đã ăn sâu vào cung cách quản lý của ông ngay từ những ngày chỉ điều hành một cửa hàng duy nhất. Vị tỷ phú này lý giải: “Kinh doanh chỉ sống sót khi doanh nghiệp có khách hàng. Thế nên, khách hàng phải là hạt nhân trong mô hình kinh doanh. Đây là nguyên tắc căn bản của Uniqlo”.
Ông nói thêm: “Người làm kinh doanh phải biết đánh vào nhu cầu của khách hàng. Với tôi, Steve Jobs là tấm gương mẫu mực cho việc này. Trừ phi bạn mang lại sản phẩm vượt trên cả sự mong đợi của họ, khách hàng sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn”.
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, ở Uniqlo không hề tồn tại khái niệm lưu kho từ 6 - 9 tháng như những nhà sản xuất khác. Thay vào đó, hàng hóa trữ lại được tính theo tuần và thậm chí là theo ngày. Nguyên do bởi khách hàng của Uniqlo có tác động trực tiếp đến quy trình sản xuất, vì những gì mà thương hiệu này làm ra đều hoàn toàn dựa vào nhu cầu từ người tiêu dùng.
Sản phẩm của Uniqlo hoàn toàn dựa vào nhu cầu từ người tiêu dùng. Nguồn: Finance.co.uk |
Ngoài ra, không chỉ chất lượng quần áo mà cả dịch vụ khách hàng cũng được Uniqlo chăm sóc kỹ lưỡng. Mọi quá trình từ tuyển dụng, đào tạo cho đến từng chi tiết nhỏ trong cung cách phục vụ đều được Uniqlo triển khai một cách tỉ mỉ.
2. Doanh nghiệp thành công phải cống hiến cho xã hội
Đối với Yanai, giá trị của một doanh nghiệp gắn liền với điều mà doanh nghiệp ấy mang lại cho xã hội. Một cơ sở kinh doanh chỉ thuần túy theo đuổi lợi nhuận mà không có sự liên kết với cộng đồng chắc chắn sẽ bị đào thải. Yanai nhớ lại: “Khi kinh doanh tăng tốc, tôi nhận ra việc Uniqlo cần phải trở thành một tập thể có sự khát khao cống hiến cho cộng đồng, nếu không sẽ chẳng thể nào có thể phát triển bền vững".
Ông chủ Uniqlo: Từ đứa trẻ nghèo đến người kiến tạo đế chế
Thực tiễn triết lý trên, Uniqlo đã phối hợp cùng Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) để trao khoảng 20,3 triệu bộ quần áo cho người tị nạn, các bà mẹ có thai và cho con bú cũng như hàng loạt nạn nhân thảm họa tự nhiên trên thế giới từ năm 2007. Tadashi Yanai từng được Hiệp hội châu Á (Asia Society), một tổ chức phi lợi nhuận có quy mô toàn cầu, vinh danh với giải thưởng “Asia Game Changer” cho những hoạt động vì cộng đồng của mình.
3. Luôn lạc quan và học hỏi từ thất bại
Như nhiều doanh nhân khác, CEO của Uniqlo cũng không mấy xa lạ với hai từ “thất bại”. Khi Uniqlo mở rộng thị trường sang nước ngoài, thương hiệu này đã gặp thất bại lớn ở Anh. Khi đó, Uniqlo dự định thành lập 21 cửa hàng tại thị trường này nhưng đã bị buộc phải đóng cửa vì mở rộng quá nhanh và quản lý yếu kém. Sau đó, Uniqlo thua tiếp tục ở thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tuy vậy, vị tỷ phú này cho biết ông chưa bao giờ cảm thấy nản lòng. Triết lý sống của người đàn ông 68 tuổi này là “chín thất bại, một thành công” và mỗi trở ngại ập đến đều là những hạt giống thành công sau này.
Ông nói: “Người doanh nhân cần biết phân tích kỹ lưỡng những thông tin liên quan đến sự thành công lẫn thất bại của mình. Hãy ghi nhớ những điều đã học và thực tiễn chúng. Thành công sẽ không thể đến trong một sớm một chiều. Điều mà ta có thể làm là luôn luôn thay đổi và thách thức bản thân mà thôi”.
Thêm vào đó, Yanai tin rằng một mô hình kinh doanh lớn cần phải có “hy vọng vào tương lai”. Thế nên, ông thường khuyến khích nhân viên suy nghĩ tích cực và năng động hơn trong việc đầu tư. Vị CEO nói: “Bi quan thì có ích gì. Đừng thụ động trông chờ vào may mắn, nó sẽ chẳng đến đâu! Cũng đừng bi quan! Chẳng ai có thể đoán được tương lai cả. Thế thì, tại sao bạn lại không tự mình viết nên nó. Chính những cá nhân dám tự viết nên tương lai của mình mới là những người gặp nhiều may mắn”.
4. Tập trung vào những điều nhỏ nhặt nhất
Là một doanh nhân làm việc trong lĩnh vực thời trang, Yanai vô cùng kỹ tính. Vị CEO này luôn tập trung hoàn thiện ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất. Ông nói: “Sai một li, đi một dặm; lỗ hổng 1 mm có thể tạo nên sự khác biệt lớn theo thời gian. Bí quyết thành công nằm ở việc thực hiện và duy trì đều đặn những điều cơ bản nhất ngày này qua ngày khác”.
Một ví dụ điển hình cho điều này là việc mọi nhân viên làm việc trong cửa hàng của Uniqlo đều được đào tạo kỹ lưỡng và bài bản từ kỹ thuật gấp quần áo, kỹ năng trao quần áo cho đến cách trả lại thẻ tín dụng (theo phong cách Nhật, cần trả lại bằng 2 tay và mắt luôn nhìn thẳng vào khách hàng). Mọi động thái, cử chỉ của nhân viên cửa hàng đều được ghi hình và phân tích.
5. Biết tự phê bình
Đối với Yanai, việc tự phê bình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ông cho hay: “Một doanh nhân cần phải biết tự nhận xét suy nghĩ, hành động lẫn chiến lược của bản thân để luôn có thể tự cải thiện cũng như làm mới mình”.
Thực hiện quan điểm này, Yanai thường tự đặt mình trên lập trường của một khách hàng khó tính. Ông lý giải: “Nhà phê bình khắt khe nhất chính là các khách hàng của bạn. Vì vậy, hãy đứng trên lập trường của họ và thử nhìn vào cửa hàng của mình rồi tự đánh giá xem nó có hấp dẫn hay không. Sau đó, hãy tiếp tục đi vào cửa hàng và nhìn xem sản phẩm có được trình bày bắt mắt không. Nhân viên bán hàng có đủ niềm nở, ân cần hay không”.
Tadashi Yanai: Một doanh nhân cần phải biết tự nhận xét suy nghĩ, hành động lẫn chiến lược của bản thân để luôn có thể tự cải thiện cũng như làm mới mình. Nguồn: Fast Retailing |
6. Có tầm nhìn hướng xa
Từ những ngày mới kinh doanh, Yanai đã nhắm đến việc biến công ty của mình trở thành một doanh nghiệp toàn cầu. Hơn 10 năm trước, Uniqlo chỉ có xấp xỉ 100 cửa hàng tại Nhật Bản. Đến cuối tháng 8/2017, số cửa hàng trên toàn thế giới của Uniqlo đã đạt 1.920. Đáng chú ý hơn cả là việc Tadashi Yanai tuyên bố sẽ đưa Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, trở thành tập đoàn thời trang lớn nhất toàn cầu vào năm 2020 với doanh thu mỗi năm vào khoảng 41,7 tỷ USD.
Trong quá trình hướng đến mục tiêu ấy, Uniqlo đã quy định mọi hoạt động đều phải được tiến hành bằng tiếng Anh. Với một đất nước ít người biết tiếng Anh như Nhật Bản thì đây là một quyết định mạo hiểm. Ngoài ra, Uniqlo cũng thành lập nhiều trung tâm đào tạo ở New York, Thượng Hải, Paris và Singapore để xây dựng đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, thích nghi với thị trường thế giới.
7. Đột phá giới hạn của bản thân
Thích nghi với thay đổi là một trong những chủ đề chính trong bí quyết của Yanai. Vị tỷ phú này thường so sánh Uniqlo với một công ty công nghệ. Ông nói: “Thế giới này đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Cái mà chúng ta đang nói đến là một cuộc cách mạng công nghiệp hoàn toàn mới. Sự đột phá từng một thời là thuật ngữ chỉ dành cho lĩnh vực công nghệ cao, nhưng nay nó lại đang diễn ra ở cả những ngành công nghiệp khác, đơn cử như Amazon, Alibaba và Uber. Đây là lúc chúng ta cần thay đổi! Ngành công nghiệp may mặc, vốn gắn liền với nhân loại, nay đã lỗi thời và cơ hội để chúng ta cải tổ nó đang ở trước mắt. Thế nên, tôi thường căn dặn nhân viên phải biết vượt qua những hình mẫu hiện tại”.
Theo DNSG