Áp dụng công nghệ trong tuyển người tài
Theo khảo sát mới nhất của ManpowerGroup Solutions “Trượt phải: Xu hướng ứng dụng công nghệ của ứng viên khi tìm việc”, công nghệ kết hợp với phương pháp tiếp cận cá nhân hóa là ưu tiên hàng đầu đối với người tìm việc hiện nay.
Được thực hiện trên 14.000 người từ 18 đến 65 tuổi tại 19 quốc gia về khuynh hướng ứng tuyển, khảo sát đã giới thiệu những phương pháp thực tiễn nhằm giúp nhà tuyển dụng thu hút và giữ chân ứng viên có kỹ năng phù hợp trong kỷ nguyên số hóa ngày nay.
Theo khảo sát trên, có đến 52% ứng viên trên toàn cầu mong muốn sử dụng ứng dụng di động (apps) để tìm việc. Yếu tố thuận tiện đóng vai trò quan trọng vì ứng viên muốn tìm việc dù họ ở bất cứ nơi đâu, ngay tại trạm xe buýt, trong quán cà phê hay trên phố chứ không bắt buộc phải sở hữu một chiếc máy tính.
Tuy nhiên, tỷ lệ người thích sử dụng và người thực sự sử dụng nền tảng di động để ứng tuyển có khoảng cách khá lớn: 52% ứng viên toàn cầu tỏ ra thích ứng tuyển trực tuyến, trong khi chỉ có 9% đã thực sự có trải nghiệm này. Có một sự thật đáng lưu ý là việc ứng dụng công nghệ trong tuyển dụng đã lạc hậu nhiều so với công nghệ tiếp thị khách hàng. Thậm chí một số nhà tuyển dụng còn tụt hậu ngay từ bước đầu tiên, đó là xây dựng được một trang web có giao diện thích hợp với nền tảng di động.
Nghiên cứu của ManpowerGroup cũng cho thấy có đến 64% người thuộc thế hệ Y (từ 18-34 tuổi) hào hứng với việc ứng tuyển trên nền tảng di động. Ngoài ra, các ứng viên thích dùng smartphone để ứng tuyển là những người độc lập, sẵn sàng di trú đến một thành phố khác (30%) hoặc quốc gia khác (31%). Họ còn là những người lệ thuộc vào công nghệ để tìm hiểu thông tin về thương hiệu của các công ty, có khoảng 15% số người ứng tuyển trên di động thích tham khảo ý kiến đánh giá của các trang mạng xã hội về công ty họ tìm kiếm.
Tại VN, số người sử dụng điện thoại thông minh hiện nay đã lên đến 84% tổng dân số nhưng phần đông người dùng chủ yếu dùng máy để giải trí và giao tiếp xã hội. Có đến 22,5 triệu người tại các khu vực ngoại thành sử dụng ứng dụng Facebook trên điện thoại và 23,5 triệu người sử dụng ứng dụng này trong khu vực nội thành. Như vậy, hầu hết các doanh nghiệp tại VN chưa tận dụng được nền tảng công nghệ để thu hút các ứng viên, nhất là lực lượng lao động phổ thông vì không phải công nhân nào cũng có laptop hoặc máy tính để bàn nhưng vẫn sở hữu được chiếc điện thoại thông minh.
Nghiên cứu nói trên chia sẻ các gợi ý thực tiễn để các doanh nghiệp áp dụng, bao gồm: (1) Cần thông minh khi dùng điện thoại smartphone; (2) Thoát ra khỏi các ứng dụng và nền tảng nhân sự truyền thống và (3) Các chương trình trả lời tự động (chatbot) có thể là một lựa chọn cần thiết, nhưng cần công khai rằng đó chính là robot.
Theo Doanh nhân plus/DNSG