Các thương hiệu “chiến thắng” duy trì vị thế như thế nào?
Nhóm các thương hiệu này luôn áp dụng các phương thức để hài hòa giữa việc xây dựng thương hiệu và kích hoạt bán hàng. Trong khi đó, các thương hiệu thua cuộc là nhóm có doanh thu đi lùi hoặc thậm chí ngày càng thất bại, lại chỉ tập trung vào việc bán hàng.
Cùng với tư duy xây dựng thương hiệu song song với phát triển doanh thu, hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp (DN) chiến thắng được xem là một khoản đầu tư hơn là chi phí. Chính tư duy này cũng mang tới khả năng tăng ngân sách tiếp thị mỗi năm một nhiều hơn. Họ muốn đầu tư không chỉ tiếp thị mà còn cả đổi mới, nghiên cứu dữ liệu khách hàng để đạt được vị trí tốt hơn. Đó là con đường để các công ty chiến thắng tiếp tục hành trình của mình.
Xây dựng thương hiệu song hành với bán hàng
Tham gia cuộc khảo sát của DVJ Insights, có 270 nhà tiếp thị B2B và B2C. 72% người được hỏi đã đồng ý rằng việc kết hợp bán hàng với xây dựng thương hiệu trong phương thức tiếp thị là cách hiệu quả nhất tạo ra sự tăng trưởng. Tuy nhiên, các thương hiệu đang trên đà tăng trưởng thì áp dụng chiến lược này thường xuyên hơn. Đối với các thương hiệu thua lỗ, họ xem việc kích hoạt bán hàng quan trọng hơn.
Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, mặc dù các thương hiệu tập trung vào kích hoạt bán hàng ngắn hạn có thể thấy sự gia tăng doanh số ngay lập tức, nhưng họ sẽ mất đi chiến thắng về doanh số này trong bài toán tăng trưởng dài hạn.
Theo Les Binet - lãnh đạo của Adam & eveDDB (công ty truyền thông nổi tiếng toàn cầu có trụ sở tại London) cũng như nhiều chuyên gia nghiên cứu về tiếp thị, xây dựng thương hiệu là động lực chính của tăng trưởng dài hạn, nhưng nó phải được cân bằng phù hợp với các hoạt động kích hoạt bán hàng để thực sự hiệu quả.
Thực tế của các thương hiệu “chiến thắng” trong thị trường đã chứng minh: Đầu tư vào thương hiệu là một khoản đầu tư tài chính của tổ chức, còn kích hoạt bán hàng giúp mở khóa giá trị tài chính có được từ việc xây dựng thương hiệu một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Xây dựng dữ liệu khách hàng tiềm năng
Người chiến thắng tập trung nhiều hơn xây dựng dữ liệu, tìm kiếm, tiếp cận khách hàng tiềm năng. Nghiên cứu cho thấy, đối với các DN trong nhóm “chiến thắng”, việc tạo và chuyển đổi khách hàng tiềm năng quan trọng hơn so với nhóm “thua cuộc”.
Điều này có nghĩa, các thương hiệu đã chiếm lĩnh thị trường vẫn tiếp tục tăng ngân sách tiếp thị để đáp ứng mục tiêu của họ vào việc chuyển đổi khách hàng. Trong khi đó, các công ty tăng trưởng kém lại tập trung mạnh mẽ vào chi phí tiếp thị để giành thị phần.
Shaun Briggs - người đứng đầu bộ phận tiếp thị tại Specsavers, được xác định là một thương hiệu chiến thắng, cho thấy việc tạo và chuyển đổi khách hàng tiềm năng là hai trong những thành phần quan trọng nhất của kênh tiếp thị. “Không có khách hàng tiềm năng, chúng tôi không có gì để chuyển đổi”.
Đầu tư cho “đổi mới”
Khoảng 59% các nhà tiếp thị tin rằng, sự đổi mới là động lực chính của tăng trưởng. Nhưng những người chiến thắng dường như đang ở một vị trí tốt hơn để thúc đẩy sự đổi mới khi 52% đã cho thấy ngân sách đổi mới của họ tăng lên trong năm qua so với con số 21% của những thương hiệu thất bại. Thậm chí, các thương hiệu đi thụt lùi còn là do họ cắt giảm ngân sách đổi mới của họ.
Sahar Milani - người đứng đầu bộ phận tiếp thị của Marks & Spencer ở Trung Đông và một thương hiệu khác được xác định là người chiến thắng trong nghiên cứu, chia sẻ: Sự đổi mới, cùng với sự năng động và tính xác thực, quan trọng hơn bao giờ hết nếu các thương hiệu muốn kết nối và dẫn dắt khách hàng. Đổi mới chính là chìa khóa để các DN bắt kịp nhu cầu và lối sống luôn thay đổi của khách hàng. Do đó, các thương hiệu chiến thắng là các thương hiệu thực sự lắng nghe và hành động.
Xem tiếp thị là một khoản đầu tư
Ngân sách tiếp thị thường chịu áp lực của doanh số. Nhưng các công ty trên đà tăng trưởng thì xem tiếp thị là đầu tư và ngân sách tiếp thị của họ tăng lên hằng năm. Ngược lại, các công ty thua lỗ luôn lo lắng tiếp thị là khoản chi phí tốn kém. Đó là lý do vì sao trong thời kỳ bất ổn về kinh tế, chính trị, các thương hiệu thường cắt giảm ngân sách. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ thất bại và thua lỗ của họ lại tăng lên cao hơn.
Theo Amanda Griffiths - Giám đốc truyền thông tại Royal Mail MarketReach, các tổ chức chấp nhận đầu tư vào thương hiệu ngay cả khi thời điểm khó khăn xảy ra lại thường có xu hướng chiến thắng trong hành trình dài hạn. Bởi trong thời đại kỹ thuật số, khách hàng quá dễ để quên các thương hiệu.
Các DN cần khẳng định vị thế thương hiệu để tạo dựng niềm tin cho khách hàng. Nếu cắt giảm ngân sách tiếp thị cho mục tiêu xây dựng thương hiệu, việc khách hàng sẵn sàng bỏ sang các thương hiệu khác là không thể tránh khỏi.
Kết nối với nhiều đối tác
Các thương hiệu trong nhóm “chiến thắng” có xu hướng làm việc với nhiều đối tác hơn. Số lượng đối tác của các công ty chiến thắng nhiều gấp đôi so với các công ty thua lỗ. Các chuyên gia cho rằng, DN nên nhận ra khoảng trống về năng lực của mình và sử dụng các đối tác phù hợp để giải quyết vấn đề này.
Bí quyết để trở thành thương hiệu chiến thắng?
Một xu hướng mới đang rộ lên trong hoạt động tiếp thị của các thương hiệu, đó là tận dụng tiếp thị tạo ảnh hưởng - influencer marketing. Tuy nhiên, trong 44% DN đang sử dụng xu hướng mới này thì có tới 57% cho rằng cách thức này chỉ để giải quyết vấn đề ngắn hạn. Quá nửa chuyên gia khẳng định, người tiêu dùng sẽ sớm nhận ra tiếp thị tạo ảnh hưởng chỉ là một thủ thuật tiếp thị. Do đó, tiếp thị tạo ảnh hưởng chỉ có thể tạo được mức tăng trưởng trong một bối cảnh nhất định, ví dụ như khi tiếp cận người tiêu dùng trẻ tuổi. Tuy nhiên, hiệu quả của phương thức mới này vẫn rất nhỏ so với quảng cáo trên truyền hình.
Do đó, theo các chuyên gia, các thương hiệu muốn lọt vào danh sách “chiến thắng” nên lưu ý tới các đặc điểm đã làm nên thành công của các thương hiệu lớn và luôn nằm trong danh sách đó. Cách mà các thương hiệu “chiến thắng” đã đi là dựa trên những nền tảng cốt lõi với sự đầu tư thích đáng và hiệu quả chứ không chỉ đơn giản là chạy theo các trào lưu, xu hướng.