Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Bộ GD-ĐT
Tại hội nghị, các đại biểu nhận định dịch COVID-19 đã thúc đẩy đào tạo trực tuyến chạy nhanh hơn dự định của các trường ĐH, ngay cả cấp học mầm non, tiểu học, THPT cũng phải tham gia đào tạo trực tuyến đợt dịch này để có thể đảm bảo được mục tiêu "tạm dừng tới trường không dừng học".
Hiệu quả ra sao?
Bộ GD-ĐT cho biết qua khảo sát, các tỉnh đều đạt trung bình trên 80% học sinh được tiếp cận với hình thức dạy học từ xa, qua Internet, trên truyền hình, riêng khu vực thành phố và vùng thuận lợi trên 90%.
Qua mùa đại dịch, kỹ năng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số của học sinh, giáo viên đã được nâng cao. Khảo sát ban đầu sau khi học sinh trở lại trường cũng cho thấy chất lượng dạy và học từ xa đảm bảo.
Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Mở Hà Nội khẳng định khảo sát của trường cho thấy 90% giảng viên, sinh viên của trường đánh giá tốt đào tạo trực tuyến.
Khó có thể phủ nhận đào tạo trực tuyến là một phương thức tân tiến, mở ra rất nhiều cơ hội (đi kèm thách thức) cho cả người dạy và người học. Đây là xu hướng của thế giới, nên sớm hay muộn giáo dục Việt Nam cũng phải triển khai nếu không muốn bị tụt hậu.
Hà Nội là một trong những địa phương triển khai cùng lúc đào tạo trực tuyến thông qua phần mềm, qua Hệ thống học và thi trực tuyến HanoiStudy và giảng dạy qua truyền hình đợt COVID-19. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: "Đợt dịch đã tạo ra sự chuyển biến về nhận thức đối với giáo dục trực tuyến. Chúng ta không nên dừng lại ở đây, mà phải nhân đà này phát triển tiếp".
Việc đào tạo trực tuyến đã thúc đẩy các trường ĐH phát triển nhanh hơn mô hình Blended Learning. Đây là phương pháp học tập hòa trộn giữa cách học truyền thống trên lớp và cách học hiện đại E-learning (Mobile Learning và Internet Learning).
Sẽ hoàn thiện dự thảo quy chế
Trong quá trình dạy học trực tuyến, điều mà các cơ sở băn khoăn nhất vẫn là thiếu hành lang pháp lý. Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết sở đã lựa chọn những giáo viên giỏi thực hiện hơn 6.000 clip đăng trên web của sở phục vụ học sinh.
Các trường từ mầm non đến THPT ở thành phố này đều chủ động sản xuất clip học tập đưa lên trang web phục vụ việc dạy và học. Tuy nhiên, vị phó giám đốc này vẫn băn khoăn về tính pháp lý vì clip chưa được thẩm định, cũng như chưa có cơ sở để bảo vệ bản quyền cho giáo viên làm clip, chi phí bồi dưỡng cho giáo viên thực hiện clip.
Tại hội nghị, quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy cho biết để có chiến lược dài hạn cho đào tạo trực tuyến, về phía Nhà nước cần xây dựng môi trường pháp lý để triển khai và củng cố sự ghi nhận của xã hội đối với đào tạo trực tuyến; tạo lập các thể chế, quy chế đào tạo (online/blended), chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục và kiểm định đối với đào tạo trực tuyến.
Ngoài ra, cần xây dựng chính sách phát triển đào tạo trực tuyến cho giáo dục ĐH (bao gồm cả chính quy và thường xuyên), có kết nối với chính sách phát triển đào tạo trực tuyến trong giáo dục phổ thông và các hình thức học tập suốt đời.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sau hội nghị sẽ hoàn thiện dự thảo quy chế dạy học trực tuyến, từ xa, trên truyền hình để làm cơ sở cho các nhà trường thực hiện. "Ngành giáo dục quyết tâm thực hiện tốt, làm bài bản, có căn cứ pháp lý, coi đây là phương thức chính thức" - bộ trưởng nói.