Doanh nghiệp nên quan tâm xuất khẩu nền tảng số
Việt Nam có lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn nên TMĐT tại Việt Nam có điều kiện phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Các DN xuất khẩu của Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa thông qua nền tảng TMĐT.
thông qua Alibaba.com, DN có cơ hội quảng bá sản phẩm tới 260 triệu nhà mua hàng trên thế giới với hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, nhiều lĩnh vực, ngành hàng từ dệt may, da giày cho tới nông sản, thủ công mỹ nghệ... đã chú trọng đến kênh bán hàng này và đã gia tăng lượng hàng xuất khẩu.
Phần lớn DN vừa và nhỏ tiềm lực hạn chế, để đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng trên khắp thế giới là hết sức khó khăn. Nếu những DN này biết tận dụng các giải pháp dựa trên nền tảng TMĐT thì cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu hết sức thuận lợi, không chỉ tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên thế giới, mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, giảm chi phí.
Theo ông Zhang Kuo - Tổng giám đốc Alibaba.com: "Việt Nam có nhiều lợi thế như dân số đông với hơn 90 triệu dân và 60% người dân sử dụng Internet, nền kinh tế phát triển và nguồn vốn FDI vào Việt Nam rất lớn. Việt Nam đang có ngày càng nhiều các DN vừa và nhỏ bắt đầu năng động trong hệ thống mua bán TMĐT quốc tế.
Đặc biệt, các ngành như dệt may, nội thất, F&B có lợi thế lớn và là những mặt hàng thế giới đang có nhu cầu rất lớn. Trong 5 năm tới, chúng tôi hướng tới có 10.000 DN vừa và nhỏ trên sàn giao dịch Alibaba.com tại Việt Nam.
Hiện, mới chỉ có 12% trong số các DN vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong việc bán hàng, nhiều DN còn thiếu kỹ năng và tự chủ khi bán hàng trực tuyến. Vì vậy, để tăng hiệu quả bán hàng trên TMĐT, các DN cần sớm cải thiện tình trạng này.
"Mua sắm trực tuyến phát triển nhanh, yêu cầu của khách hàng cũng trở nên phức tạp hơn, kỳ vọng cao hơn. Người mua trực tuyến cần sự hiển thị hàng hóa rõ ràng, bao gồm chi tiết sản phẩm, giá cả, phí vận chuyển và thời gian giao nhận. Vì vậy, DN phải nhanh chóng thích ứng, chú trọng dịch vụ giao nhận và đổi trả hàng hóa linh hoạt, cũng như tận dụng sự phát triển của thương mại di động để tạo ra trải nghiệm mua sắm đa dạng hơn cho khách hàng...".
Ông Zhang Kuo nhấn mạnh, nói đến giao dịch B2B thương mại điện tử, giá vẫn là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, không phải là tất cả. Giá hợp lý, chất lượng tốt là những gì mà đối tác cần. Bên cạnh đó, còn những yếu tố khác như người bán có phản hồi nhanh, chuyên nghiệp, mô tả sản phẩm, dịch vụ một cách hệ thống hay không, giao hàng có đúng hẹn không, thanh toán ra sao. Tất cả những điều đó sẽ giúp DN bán hàng tốt hơn.
Bên cạnh đó là thời gian chuyển hàng. Tất cả yếu tố trên quyết định thành công của DN nhỏ và vừa. Đây cũng là nhu cầu đặt ra cho chúng tôi và Alibaba.com đang có nhiều chương trình hỗ trợ DN như xây dựng hệ thống thanh toán làm việc với các ngân hàng địa phương, hệ thống logistics ở Việt Nam kết nối trong hệ sinh thái để DN kinh doanh hiệu quả hơn.
Đơn cử, khi hàng hóa của một DN không chất đầy được một container, chúng tôi sẽ kết hợp nhiều dịch vụ cùng một lúc và có thể thương thảo để có giá tốt nhất cho các DN và đưa ra giải pháp số hóa, giúp cho những quá trình này trở nên dễ tiếp cận hơn trên hệ thống TMĐT của chúng tôi.