Doanh nghiệp Việt cần ổn định nội bộ và minh bạch với cổ đông
Theo báo cáo năm 2019 của Morningstar, các quỹ đầu tư xem trọng yếu tố quản trị, đóng góp xã hội và hạn chế tác động môi trường đã đón nhận thêm 20,6 tỷ USD dòng vốn đầu tư mới, cao gấp 4 lần năm 2018, lập kỷ lục từ trước tới nay.
Bức tranh thu hút FDI của Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo đó, để thu hút đầu tư, yếu tố đầu tiên mà DN Việt phải cải thiện chính là công tác quản trị, mà cụ thể là hoạt động xây dựng Hội đồng quản trị (HĐQT) và ban điều hành DN vận hành một cách quy củ, minh bạch, cân bằng cũng như được kiểm soát quyền lực.
Thua kém các láng giềng
Tại Diễn đàn quản trị thường niên 2019 do Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) phối hợp IFC, SECO và Chính phủ Nhật Bản tổ chức hồi cuối năm 2019, nhiều chuyên gia đã có ý kiến về những câu chuyện quản trị nội bộ của DN Việt Nam. Chính các vấn đề nội tại là yếu tố làm suy yếu DN theo thời gian, kiềm hãm mục tiêu vươn ra quốc tế.
Theo thống kê của Forbes, 100 DN gia đình lớn nhất Việt Nam, với những cái tên nổi bật như Vingroup, Tân Hiệp Phát, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Thành Thành Công, Gốm sứ Minh Long, đóng góp khoảng 25% GDP cả nước. Tất nhiên, không phải DN gia đình nào cũng "xào xáo", và vì thế, họ đã phát triển mạnh.
Bên cạnh những DN ngày càng có tên tuổi trên trường quốc tế thì thời gian qua, các DN Việt dù có sự tăng trưởng mạnh về số lượng, song chất lượng vẫn còn thấp, năng lực cạnh tranh yếu. Một trong những nguyên nhân cơ bản là năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị DN còn hết sức hạn chế.
Chỉ số Quản Trị DN thấp, vì đâu nên nỗi?
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), DN Việt đạt điểm số trung bình vì các tiêu chí liên quan đến quyền của cổ đông khá thấp, trong khi đây chính là phần có điểm cao nhất. Còn theo một khảo sát của Bộ Công Thương hồi năm 2019, chỉ có khoảng 23% DN Việt Nam hiện nay hiểu về khái niệm, nguyên tắc quản trị DN đúng nghĩa. Theo kết quả khảo sát, đa phần lãnh đạo DN vẫn nhầm lẫn giữa khái niệm quản trị và quản lý điều hành.
Khảo sát cũng chỉ ra các hạn chế của DN trong nước hiện liên quan đến hoạch định chiến lược, kỹ năng quản trị, kế toán - tài chính, marketing và sản xuất. Cụ thể hơn, các vấn đề này thường không thông suốt giữa những người đứng đầu và các cấp quản lý, nhân sự phía dưới.
Quản trị DN tốt có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nên sự hài hòa trong mối quan hệ giữa HĐQT, ban giám đốc (BGĐ), các cổ đông và bên có quyền lợi liên quan thuộc DN, từ đó tạo nên định hướng và sự kiểm soát tiến trình phát triển.
Muốn ra biển lớn… cần minh bạch từ HĐQT
Trong nền kinh tế thị trường, một công ty có nhiều đối tượng hưởng lợi và những đối tượng này được phân chia thành các nhóm có lợi ích xung đột với nhau. Quản trị DN là việc cân bằng các ảnh hưởng đó cho DN một cách tối ưu, nhằm phát huy tính hiệu quả, công khai, minh bạch, góp phần bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn và cải thiện sức cạnh tranh cho bản thân DN.
Tính minh bạch luôn được đề cập đến một cách rộng rãi trong thông lệ quốc tế như một tiêu chí hàng đầu để đánh giá kỷ luật và hiệu quả quản trị của DN. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thiếu minh bạch vẫn là câu chuyện thường xuyên được nhắc đến. Trong đó, minh bạch trong cơ chế giao tiếp, chia sẻ với cổ đông là yêu cầu hàng đầu.
Những hiệp định giao thương quốc tế đã ký kết mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức, DN trong nước có thêm nhiều cơ hội bởi qua đó, có thêm nhiều đối tác. Một DN cũng như một cơ thể, đủ khoẻ mạnh, minh mẫn và hiểu biết cuộc chơi thì mới đủ sức giong buồm ra biển lớn.