Doanh nhân Lê Đăng Khoa: Đừng vội vã trên con đường khởi nghiệp!
Khởi nghiệp đừng quá vội vã, bởi khó ai có thể trong 3 năm, hay 5 năm có thể kiến tạo một công ty thành công, đủ sức sánh ngang với nhiều công ty khác cùng mảng, có thâm niên.
Lê Đăng Khoa, người được biết đến nhiều từ chương trình Shark Tank từ mùa đầu tiên năm 2017 trong vai trò nhà đầu tư tìm kiếm mô hình khởi nghiệp triển vọng, đã chia sẻ về câu chuyện "làm giàu" của người trẻ ngày nay.
Hiện Khoa đang điều hành hệ sinh thái Le Group Venture với 7 doanh nghiệp. Tất cả đều bắt đầu "hái quả" sau một chặng đường dài.
Mọi người hay gọi doanh nhân Lê Đăng Khoa là "soái ca khởi nghiệp", nhưng theo Khoa, anh chưa bao giờ xuất hiện trong vai trò của một người đi khởi nghiệp. Biệt danh trên có thể nói lên tâm huyết của anh với hoạt động khởi nghiệp Việt Nam.
Lê Đăng Khoa nói:
Tôi đã bắt đầu kinh doanh từ năm 22 tuổi thì dành 15 năm để rèn luyện về kinh nghiệm trong chuyện xây dựng thương hiệu. Cũng ngần ấy, tôi tự nhìn nhận được từng lỗ hổng ở các công ty, start up mà mình đã đầu tư cũng như bài học kinh nghiệm.
Thất bại là không thể thiếu trong hành trình phát triển của một con người hay một doanh nghiệp. Nhưng đứng lên hay "vươn lên" sau thất bại thì không phải ai hay doanh nghiệp nào cũng làm được. Nhìn nhận lại tôi thấy mình và Le Group Venture vươn lên được sau những thất bại ban đầu.
- Bí quyết duy nhất của tôi là học. Tôi học được nhiều điều ở trường. Nhưng khác biệt và tôi cho là may mắn lớn nhất của tôi là tôi được học kinh nghiệm kinh doanh từ ba và mẹ - hai nhà sáng lập và điều hành tài ba của Công ty phân bón Ba Lá Xanh.
Từ những ngày còn nhỏ xíu, tôi đã được ba dắt đi uống café và nói chuyện về kinh doanh. Thằng bé 9-10 tuổi khi ấy cứ chăm chú nghe nhưng kỳ thực chẳng hiểu là bao. Nhưng rồi, ba cứ nói chuyện như thế mỗi ngày, nghiệp kinh doanh thấm vào tôi lúc nào không biết.
Tôi còn có thêm một "ông thầy" khác – đó là sách. Tôi coi việc đọc sách như thức ăn, nước uống mỗi ngày. Trong đợt giãn cách xã hội vì COVID-19, tôi gần như dành trọn thời gian để đọc sách. Sau khi "ngốn" gần 20 đầu sách "nặng ký" như: Good to great, Lifespan, The gene, Extreme economies, Good economics for hardtime, The ride of lifetime…, từ lo âu, hoang mang vì những thay đổi trong thời dịch, tôi lại trở nên tự tin hơn trước những thách thức mới.
Ngoài ra, tôi cũng được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành trong cách ông ấy dùng người và tạo hệ sinh thái cho mình hay góc nhìn về vận hành công ty của tỷ phú Mỹ Warren Buffet.
- Tôi căn cứ trên sự khác biệt của sản phẩm, qui mô thị trường đủ lớn và công ty có những con người thực sự giỏi. Với sản phẩm, đó chắc chắn phải là một sản phẩm thị trường cần, có thể thiết thực như một thứ mà mọi người đều cần dùng, có nhu cầu hàng ngày như trái cây, bánh ngọt, decor nhà cửa…
Tiếp đó, sản phẩm phải hướng đến một thị trường đủ lớn, cơ hội tiến xa sẽ cao hơn. Và sau cùng là con người – một yếu tố quan trọng, rất quan trọng. Đội ngũ nhân sự của công ty đó cần chứng minh được khả năng, cách vận hành cũng như sự tiếp cận thị trường mà sản phẩm có thể. Chắc chắn, tôi cũng sẽ đầu tư khi công ty đó đã nên hình hài, thậm chí phải có dòng tiền, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng. Bởi dòng tiền của họ phải dư, chứng tỏ sản phẩm đã được thị trường tiếp nhận, đồng nghĩa đội ngũ cũng biết vận hành.
Có thể với sự trợ giúp của tôi, start up đó sẽ đi nhanh hơn khi có sự tư vấn và đóng góp tài chính.
- Ngoài đầu tư tài chính, tôi xác định những giá trị quí giá nhất mình mang đến cho các cộng sự trong hệ sinh thái của mình là kiến thức, kinh nghiệm cũng như các kỹ năng về quản trị.
Ngoài những buổi làm việc bình thường, hàng tuần, tôi đều hẹn gặp các bạn sáng lập ở các công ty mình đầu tư để chia sẻ những "câu chuyện thương trường", hướng dẫn thêm về các kỹ năng trong điều hành, quản lí và cập nhật kiến thức mới...
Các start-up hầu hết đều do các bạn có tuổi đời còn rất trẻ sáng lập, vận hành. Từ một người kinh doanh nông sản, đến sản xuất bánh ngọt hay cung cấp hoa tươi... để trở thành một doanh nhân thực thụ, đủ sức điều hành một công ty có sức cạnh tranh, bước vào thị trường là một quãng đường rất dài. Tiền bạc, năng lực tài chính dĩ nhiên rất cần. Nhưng đó chỉ mới là phần nhỏ bé, là bệ đỡ ban đầu để hỗ trợ công ty hoạt động. Nếu không có kiến thức, kỹ năng về quản trị, những mối quan hệ xã hội… rất khó để có được thành công, lớn mạnh, "chiếm lĩnh" hay tiên phong trong thị trường. Vì thế, tôi luôn đề cao sự cập nhật kiến thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang rất năng động. Việc rèn luyện cho các bạn sự kiên nhẫn, điềm tĩnh cũng rất cần thiết trong việc điều hành một công ty.
Thậm chí, chuyện tình cảm cá nhân, xử lý thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội cũng cần được kiểm soát và không thể quá tự do. Khi thương hiệu start-up chưa đủ mạnh, sức chống chịu còn mỏng manh, những sai phạm của cá nhân sẽ khiến start-up bị thiệt hại đến có thể ngã quỵ.
- Chữ tín phải đặt lên hàng đầu. Thất tín là một lỗi không được mắc phải dù chỉ một lần. Cam kết đưa ra, các bạn sáng lập phải thực hiện. KPI đã có, phải đạt được. Như thế, vừa có lợi cho đôi bên, vừa có thể đi đường dài cùng nhau.
- Bản thân tôi đúc kết được khó khăn nhất của một start-up là rèn luyện sự kiên nhẫn. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và bình tĩnh đâu nhé!
Kiến thức không thể tự "nở" được mà phải tích lũy qua năm tháng, qua những trải nghiệm. Sau nhiều năm đầu tư, tôi co rằng vẫn rất cần những người sáng lập luôn biết lắng nghe, chịu khó học hỏi và kiên nhẫn. Nếu không kiên nhẫn, công cuộc khó thành! Bởi đầu tư khởi nghiệp rất khó, mang tính rủi ro rất cao. Thậm chí còn có người ví von rằng, đầu tư 10 nhưng đôi khi chỉ thắng 1.
Tôi rất thích một câu nói của tỷ phú người Mỹ Warren Buffett là: "Làm giàu không khó nhưng thường con người ta hơi vội". Nếu nhìn vào những công ty quy mô toàn cầu thì dưới 50 năm vẫn được gọi là công ty trẻ, những công ty trên 50 năm mới gọi là công ty… "hết trẻ". Còn nhiều công ty, tập đoàn 100, 150, 200 năm đều có trên khắp thế giới.
Vì vậy, tôi muốn gửi gắm đến các bạn trẻ đang ấp ủ khởi nghiệp đừng quá vội vã, bởi khó ai có thể trong 3 năm, hay 5 năm có thể kiến tạo một công ty thành công, đủ sức sánh ngang với nhiều công ty khác cùng mảng, có thâm niên.
- Các bạn start up cần hiểu muốn phát triển phải đi cùng nhau. Ở từng giai đoạn mà các đối tác, cộng sự có được sẽ tận dụng sức mạnh khác nhau của họ để cùng gầy dựng. Nhiều start up thường "chết yểu" vì sa lầy vào dòng tiền, "scale" không đúng thời điểm.
Các bạn hãy cứ dành một đến hai năm để định hình rõ ràng về sản phẩm cũng như nhu cầu của thị trường. Nếu đem một sản phẩm sáng tạo, độc đáo cung ứng cho thị trường nhưng chỉ thoả mãn được 1/3 số lượng công ty kỳ vọng thì sao? Hãy dùng ít nhất hai năm đầu tiên, lựa chọn một thị trường nhỏ thôi để kiểm tra sản phẩm. Thời gian này nếu có bất kỳ lỗi gì cũng đều có khả năng phát triển, chỉnh sửa sản phẩm cho phù hợp nhất với nhu cầu thị trường. Sau đó, việc kêu gọi đầu tư khi thị trường đã có, sản phẩm ổn định thì chẳng khó gì.
Đừng vội nhé! Giai đoạn đầu rất quan trọng, kiên nhẫn sẽ đem lại kết quả khả quan cho start up.
Theo Tuổi trẻ