• :
  • :

Mênh mông chữ… Đạo

Bạn có bao giờ đặt câu hỏi chữ Đạo có bao nhiêu nghĩa? Thật sự là mênh mông nghĩa.

Mênh mông chữ… Đạo

Chữ Đạo gốc là từ Hán Việt

 

Chữ Đạo 導 đầu tiên có nghĩa là dẫn dắt: lãnh đạo, chỉ đạo, tiền đạo... Còn đây là chữ Đạo  道 có nghĩa gốc là con đường. Nghĩa phái sinh là tôn giáo, như: đạo Phật, đạo Hồi... Chữ Đạo này cũng là danh từ chỉ học thuyết của Lão Tử, vì ông viết Đạo đức kinh. Chữ Đạo của Lão Tử đồng nghĩa với khái niệm quy luật của tự nhiên, xã hội...

 

Có một từ Đạo 盜 lại có nghĩa ngược lại là tên ăn trộm: đạo chích. Và động từ phái sinh nghĩa là trộm: đạo văn. Nhưng có một từ đạo 稻 có nghĩa khá bất ngờ là gạo.

 

Trong sách Minh Tâm Bửu Giám có câu: Học giả hảo, bất học giả hảo? Học giả như hòa, như đạo; bất học giả như thảo, như cảo. Tạm dịch: Học tốt hay không học tốt? Người có học như lúa, như gạo; người không học như cỏ, như rác!

 

Chính từ Đạo này có người đùa cụ Đồ Chiểu:

 

Chở bao nhiêu gạo thuyền không khẳm,

 

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

 

Chữ Đạo trong lịch sử

 

Thời Tiền Lê, nước ta có Thập đạo tướng quân Lê Hoàn phá Tống lên ngôi vua lấy niên hiệu Lê Đại Hành. Đạo ở đây là đạo quân. Chức Thập đạo tướng quân là chức thống lĩnh 10 đạo quân.

 

Năm 1732, Chúa Nguyễn Phúc Trú lập Long Hồ Dinh tại Cái Bè. Năm 1757 dời về xứ Tầm Bào tức thành phố Vĩnh Long ngày nay. Trong ba năm sau đó, Chúa Nguyễn thành lập nhiều đạo ở miền Tây Nam Bộ, để bảo vệ cho Dinh Long Hồ trong đó có Đông Khẩu Đạo (thành phố Sa Đéc), Tân Châu Đạo (thị xã Tân Châu ngày nay) , Châu Đốc Đạo (TP Châu Đốc ngày nay), Đông Xuyên Đạo (TP Long Xuyên)... Đạo giống như đơn vị hành chính cấp huyện thời mở đất.

 

Đạo trong phương ngữ Nam Bộ

 

Tuy nhiên, từ Đạo trong phương ngữ Nam Bộ lại có nghĩa hết sức độc đáo!

 

Dân thương hồ Nam Bộ, tức dân buôn bán đường sông, họ đi bằng ghe, xuồng. Cái thú của dân thương hồ qua câu ca dao:

 

Đạo nào vui bằng đạo đi buôn?

 

Lên biển xuống nguồn gạo chợ nước sông.

 

Đạo ở đây được hiểu là nghề nghiệp.

 

Đến Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta nghe danh ông Đạo Dừa, tu ở Cồn Phụng, trên sông Tiền, giữa thành phố Mỹ Tho và thành phố Bến Tre trước 1975. Ông Nguyễn Thành Nam tu bằng cách uống nước dừa thay cơm.

 

Vì thế dân gian gọi ông là ông Đạo Dừa. Từ đó, trong dân gian có một từ Đạo với nghĩa phái sinh, với nghĩa là thích. Người nào thích ăn nhiều chuối, người xung quanh bảo: “Nó Đạo chuối!” Thích ăn ốc gọi là Đạo ốc, rồi Đạo khoai.....

 

Và đây là một câu hát ru có từ Đạo với nghĩa khác!

 

Đèn nào cao cho bằng đèn ông Chánh?

 

Bánh nào trắng cho bằng bánh bò bông?

 

Đạo nào thâm cho bằng đạo vợ với chồng?

 

Đêm nằm nghĩ lại, nước mắt hồng nhỏ tuôn.

 

Chữ thâm làm ta nhớ lại tình thâm. Đèn với bánh chỉ so với tình chớ không thể sánh với đạo lý, đạo đức được. Chữ Đạo ở đây có nghĩa là tình yêu.

 

Bá đạo!

 

Hiện nay trên các phương tiện truyền thông hay dùng từ bá đạo. Chỉ cần tra Google thì trong 0,65 giây có hơn 11 ngàn kết quả. Cái gì khác thường thì gọi là bá đạo hết.

 

Trong lịch sử Trung Hoa, hai từ vương đạo và bá đạo có từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc. Thời Xuân Thu, từ 400 nước đánh nhau còn 7 nước chuyển qua thời Chiến Quốc. Tần Thủy Hoàng gồm thu lục quốc lập ra nhà Tần. Những nước nhỏ là bá đạo, còn nước lớn là vương đạo. Cách dùng từ bá đạo hiện nay cũng hết sức “bá đạo” luôn!

 

Theo GDTĐ

Lượt xem: 581
Nguồn:hawking.edu.vn Sao chép liên kết
TIN LIÊN QUAN

Nội dung đang cập nhật...