Miễn phí THCS: Lựa chọn cần thiết
Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, hầu hết mọi gia đình đều nghèo, nhiều gia đình phải cho con cái nghi học. Hồi đó cha mẹ có con đi học chỉ lo sách tập, bút viết còn học phí được miễn hoàn toàn. Vậy mà vẫn có nhiều học sinh nghỉ học vì gia đình không cáng đáng nổi.
Đó là giai đoạn khó khăn nhất của đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh. Ngân khố Nhà nước gần như rỗng không. Nhưng trước tình hình trẻ em có nguy cơ nghỉ học hàng loạt, Nhà nước quyết định miễn phí hoàn toàn giáo dục phổ thông.
Nhờ chính sách đúng đắn đó, hàng triệu trẻ em đã được đến trường. Đến nay, sau hơn 40 năm, lớp người này trở thành lực lượng lao động có vai trò quan trọng hiện tại, đang đưa đất nước vào giai đoạn phát triển nhanh, như chúng ta đang thấy.
Ngày nay, chính sách miễn học phí cho giáo dục phổ thông đã và đang được nhiều nước lựa chọn vì nó mang lại nhiều lợi ích không ngờ.
Các nhà nghiên cứu xã hội phân tích, phí tổn cho hơn 10 năm phổ thông mà Nhà nước bỏ ra cho một học sinh ít hơn rất nhiều lần phí tổn mà gia đình hay xã hội phải nuôi một người thất nghiệp, vì nhu cầu cuộc sống của người này nhiều hơn và thời gian cũng dài hơn.
Mặt khác, đáng lẽ ra cá nhân đó có thể tự nuôi bản thân và có đóng góp cho xã hội thì lại không có. Trong trường hợp này Nhà nước bị thiệt kép. Đó là chưa kể nếu người thất nghiệp gây ra các tệ nạn xã hội (ông bà ta thường nói “nhàn cư vi bất thiện”) thì chi phí xã hội sẽ tiếp tục tăng lên để lập các trường giáo dưỡng, nuôi lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự xã hội...
Lựa chọn chính sách giáo dục nào để đất nước phát triển nhanh và ổn định? Xem vậy câu trả lời không phải quá khó. Hiện nay có nhiều nước đã thực hiện miễn phí hoàn toàn giáo dục phổ thông, một số nước miễn phí cả giáo dục đại học.
Ở nước ta, do những khó khăn vì một thời gian dài bị cấm vận kinh tế nên bắt buộc Nhà nước phải bãi bỏ chế độ miễn học phí, và thay vào đó thu một phần học phí để hỗ trợ cho nhà trường, ngoại trừ bậc tiểu học. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn không từ bỏ mục tiêu phổ cập giáo dục ở các bậc học, dù biết đó là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Sau cột mốc đổi mới 1986, cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế, Nhà nước đã huy động toàn lực xã hội, trong đó ngành giáo dục làm nòng cốt, đẩy mạnh phổ cập giáo dục tiểu học và sau đó là THCS. Đến thập niên cuối của thế kỷ 20, nước ta cơ bản đã hoàn thành phổ cập giáo dục ở hai bậc học này. Hiện phổ cập giáo dục THPT cũng đã được hoàn thành ở một số địa phương có điều kiện.
Nhưng nếu việc hoàn thành phổ cập giáo dục đã khó thì việc duy trì kết quả phổ cập càng khó hơn. Trong thời gian qua Nhà nước đã liên tục ban hành nhiều nghị định về phổ cập giáo dục cho trẻ năm tuổi, tiểu học và THCS làm cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng có một thực tế là hàng năm số trẻ em không được đến trường vẫn không hề nhỏ.
Phổ cập giáo dục được hiểu là Nhà nước tổ chức, tạo mọi điều kiện để tất cả trẻ em ở lứa tuổi phổ cập đó phải được đến trường và học hết chương trình giáo dục của bậc học ấy. Bởi vậy, ở các nước, khi phổ cập tới bậc học nào thì đi kèm chính sách miễn học phí cho bậc học đó. Nếu Nhà nước chưa tạo đầy đủ điều kiện cho mọi trẻ em đến trường thì chưa thể tạo một nền giáo dục cưỡng bức, bắt buộc cha mẹ phải có nghĩa vụ đưa con cái đến trường.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó ghi rõ giáo dục tiểu học, THCS được miễn học phí, trước hết là nhằm thực hiện vai trò tổ chức đưa trẻ em đến trường của mình, sau là có cơ sở pháp luật để thực hiện giáo dục cưỡng bức nếu cha mẹ không hợp tác.
Dự thảo luật đang được tổ chức lấy ý kiến xã hội rộng rãi. Dư luận bày tỏ đồng tình vì trong nền kinh tế tri thức việc đầu tư cho con người là có lợi nhất.
Theo GDTĐ