Người giỏi có vào sư phạm?
Muốn học sinh giỏi vào sư phạm nên có chính sách đãi ngộ hấp dẫn.
Tuyển sinh có nguy cơ gặp khó
Tại Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH; CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố để xin ý kiến dư luận, cụ thể Điều 17, Khoản 3, Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017 sẽ được sửa đổi, bổ sung: “Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên như sau: Đối với trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ CĐ, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên”.
Chia sẻ về nội dung đổi mới này, đại diện các trường ĐH khẳng định, hút người giỏi vào sư phạm sẽ giúp chất lượng đầu vào sư phạm tốt hơn nhiều nhưng không dễ để tuyển sinh, thậm chí nhìn thấy trước viễn cảnh có thể phải đóng cửa một số ngành đào tạo bởi nhiều lý do.
Phân tích từ các chuyên gia giáo dục cũng cho thấy, xét tuyển với loại giỏi là một bước tiến rất lớn.
Tuy nhiên, chưa thể tin tưởng một cách tuyệt đối ở học bạ và coi đó là thông tin đầy đủ và chính xác được. Do đó, khi áp dụng điều này, chắc chắn việc tuyển sinh của các trường sư phạm sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Về những băn khoăn này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) lưu ý, nội dung trên chỉ áp dụng với phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT.
Tuy nhiên, với hình thức xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, Bộ cũng dự kiến đưa ra mức điểm đảm bảo chất lượng đầu vào cao.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, muốn học sinh giỏi vào sư phạm là một sự lựa chọn tốt, tuy nhiên, khi đưa ra dự kiến thay đổi tiêu chuẩn đầu vào Bộ GD&ĐT cần cân nhắc học sinh giỏi có mong muốn trở thành thầy cô giáo hay không?
Về việc dự kiến từ năm 2018 Bộ GD&ĐT chỉ quy định điểm sàn sư phạm, ông Vinh cho rằng, cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể về việc nên có hay không.
Cần ưu đãi cụ thể
Thực tế đã chỉ ra rằng, từ nhiều năm nay, không ít sinh viên ngành sư phạm ra trường không có việc làm, hoặc có xin được việc cũng không có sự ổn định lâu dài, mức thu nhập không đủ sống.
Về dự kiến nâng chuẩn đầu vào đối với ngành sư phạm của Bộ, TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH (Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam) đồng ý với quan điểm Bộ GD&ĐT chỉ xác định điểm sàn đối với ngành sư phạm, những ngành khác do trường tự xác định.
Bởi lẽ, lâu nay Hiệp hội các trường ĐH- CĐ Việt Nam đã có ý kiến gửi Bộ GD&ĐT cho rằng nên bỏ việc quy định điểm sàn mà thay vào đó nên áp dụng theo nguyên tắc: Nếu học sinh đã vượt qua trình độ tốt nghiệp THPT quốc gia thì có quyền đăng ký vào các trường ĐH. Còn việc có trúng tuyển hay không thì nên để trường ĐH đó quyết định.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng, muốn học sinh giỏi vào sư phạm nên có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp. Khi thực hiện được những chính sách này, ngành sư phạm không cần phải quy định tiêu chuẩn đầu vào mà vẫn luôn tuyển được học sinh khá, giỏi.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại Sư phạm Hà Nội nêu lên những bất cập đang tồn tại ở các trường sư phạm lâu nay.
Theo đó, hiện Bộ GD&ĐT chưa quản lý thống nhất về chỉ tiêu đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm.
Bên cạnh đó, tại các trường sư phạm đang tồn tại nhiều trình độ đào tạo khác nhau.
Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên cần phải có kế hoạch để đầu tư cho các trường sư phạm.
Bộ cần phải tập trung nghiên cứu về dân số, về quy mô, về độ tuổi, về phân bố địa lý, về dự báo số lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu mô hình, cách thức có trọng tâm trọng điểm, đánh giá năng lực của từng trường để có nguồn lực đầu tư phù hợp.
Vì vậy, sớm quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm là yêu cầu cần thiết.
Thay đổi tuyển sinh ngành sư phạm ngay trong năm 2018, tức là Bộ GD&ĐT đã nhìn thấy rất rõ những bất cập trong tuyển sinh sư phạm- đã đến lúc không thể chậm trễ hơn được nữa.
Điều thấy rõ là Bộ GD&ĐT rất kỳ vọng thay đổi về chất lượng đầu vào sư phạm, song dư luận kỳ vọng đó phải là cuộc cách mạng trong đào tạo lĩnh vực đặc biệt này.
Ngành sư phạm cần những người tâm huyết với sự nghiệp trồng người, nhưng xem ra số người muốn theo đuổi nghề này ngày càng giảm.
Vì lẽ đó, trước mùa tuyển sinh 2018, những băn khoăn về việc ngành sư phạm có tuyển đủ được chỉ tiêu hay không, có đủ sức hấp dẫn người tài hay không… vẫn đang là một sự ngóng trông, mong mỏi.
Theo ĐĐK