• :
  • :

Nhà nước sẽ định giá sách giáo khoa để chấm dứt chuyện 'đội giá sách lên trời'?

Thừa ủy quyền Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Tài chính vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Nhà nước sẽ định giá sách giáo khoa để chấm dứt chuyện đội giá sách lên trời? - Ảnh 1.

Sách giáo khoa bán trong một nhà sách tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhà nước không điều tiết được giá SGK có thể làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

Theo chương trình, hôm nay 14-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp và cho ý kiến về việc này.

Bộ Tài chính: tác động lớn đến đời sống xã hội

Theo quy định, SGK không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá. Thẩm quyền quyết định giá SGK thuộc về giám đốc các nhà xuất bản. Vì vậy, việc thực hiện kê khai giá chưa đủ để điều tiết công bằng trong in ấn, phát hành SGK như mong muốn.

Trong tờ trình, Bộ Tài chính nêu rõ SGK là một trong những mặt hàng thiết yếu của học sinh các cấp. Giá SGK có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt với học sinh vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. 

Trường hợp có thể vì mục tiêu lợi nhuận, các nhà xuất bản sẽ không phát hành sách ở những khu vực này, dẫn đến học sinh không có sách để học hoặc Nhà nước sẽ phải chi ngân sách để mua sách cấp phát cho học sinh những vùng khó khăn này.

Theo số liệu thống kê năm 2017 - 2018, cả nước có khoảng 15,9 triệu học sinh phổ thông, nên việc tăng giá SGK tác động đến chỉ số giá tiêu dùng của cả nước và tâm lý của người dân. 

Ngoài ra, nếu không có cơ chế điều tiết giá dẫn đến có sự chênh lệch về giá giữa các nhà xuất bản thì có thể nảy sinh tiêu cực trong quá trình lựa chọn SGK cho học sinh. 

Từ thực tế trên, Bộ Tài chính đề nghị Nhà nước cần thiết điều tiết giá SGK trong giai đoạn hiện nay.

Bộ Tài chính cho biết căn cứ đề xuất bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá tối đa là tại Luật giá quy định trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Do đó, đề nghị của Chính phủ là có cơ sở pháp lý.

Về hiệu quả của đề xuất trên, Bộ Tài chính phân tích, Nhà nước sẽ kiểm soát được tình trạng các doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý hoặc tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đồng thời, Nhà nước định giá SGK sẽ có công cụ để điều tiết giá đối với mặt hàng này, đảm bảo nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, các nhà xuất bản quy định mức giá bán cụ thể nhưng không cao hơn giá tối đa (giá trần) do Nhà nước quy định, khắc phục những điểm yếu của việc kê khai giá SGK hiện nay.

Việc định giá tối đa với SGK thúc đẩy các nhà xuất bản hoạt động kinh doanh hiệu quả, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh bằng cách tăng giá bán sách làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng...

Bộ GD-ĐT: cần thiết!

Ông Trần Tú Khánh, vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT khẳng định: Quan điểm của Bộ GD-ĐT từ trước đến giờ đều nhất quán cho rằng cần phải đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Vì SGK là mặt hàng đặc biệt liên quan tới giáo dục, tới tương lai của hàng triệu trẻ em. Nếu thả nổi, mặc cho giá sách nâng cao lên 3-4 lần so với hiện nay là điều không thể được.

"Nếu không đưa vào danh mục Nhà nước định giá, ai sẽ bảo đảm các đơn vị xuất bản không liên kết để nâng giá cao hơn nhiều lần sách hiện hành. Gánh nặng chi phí dồn lên vai người dân. Con em những người dân ở vùng sâu vùng xa, những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ lấy đâu ra tiền mua sách để học? Không thể nói làm sách đẹp mà đội giá sách lên trời được" - ông Khánh phân tích.

Bộ GD-ĐT cũng nêu quan điểm cho rằng giá trần SGK phải dựa trên các định mức cụ thể trong quy trình biên soạn, xuất bản SGK, tham chiếu mức giá SGK thực tế, khả năng chi trả của người dân... 

Việc đưa SGK vào danh mục do Nhà nước định giá nhằm đảm bảo sự minh bạch, khách quan. Trong đó, cơ sở đề xuất giá trần do các đơn vị xuất bản đưa ra trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giám sát.

Còn PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) - cho rằng: Khi SGK nằm trong danh mục Nhà nước định giá thì các đơn vị xuất bản sẽ phải giải quyết bài toán làm sao để biên soạn được SGK vừa đạt yêu cầu về chất lượng (được thẩm định, phê duyệt) nhưng các chi phí tiết kiệm để đảm bảo có giá thành hợp lý.

"Việc định giá sẽ tác động tới các đơn vị xuất bản, buộc các đơn vị phải lựa chọn phương án tối ưu. Ví dụ, đơn vị xuất bản phải tính toán để giảm số trang/cuốn sách nhưng vẫn đảm bảo đủ nội dung theo yêu cầu của chương trình. Muốn như thế, từ khâu biên soạn đòi hỏi đội ngũ tác giả phải tinh giản về nội dung, ngữ liệu nhằm chuyển tải kiến thức hiệu quả hơn. Kênh chữ, kênh hình được chắt lọc hơn. Ngoài ra, các đơn vị cũng phải tính toán xây dựng nguồn học liệu điện tử kèm theo liên kết với SGK giấy để giảm chi phí in ấn, phát hành... Các đơn vị giải quyết tốt bài toán này sẽ có lợi thế hơn trong cạnh tranh khi phát hành" - ông Nguyễn Xuân Thành nói.

 

Theo TTO

Lượt xem: 557
Nguồn:hawking.edu.vn Sao chép liên kết
TIN LIÊN QUAN

Nội dung đang cập nhật...