Vũ lực không tạo ra uy tín
Chắc chúng ta đều biết ngày trước ở Liên Xô, có ông Anton Makarenko –là bậc thầy về giáo dục học sinh cá biệt. Ông nổi danh với cuốn sách “Bài ca sư phạm”, một cuốn sách được biết đến rộng rãi từ lúc nó được xuất bản cho đến hết thế kỷ 20. Có lẽ cuốn sách nổi tiếng vì nó được viết như là một cuốn tiểu thuyết nhưng nó không phải một tiểu thuyết hư cấu: Cuốn sách được viết dựa trên một câu chuyện có thật. Một thử nghiệm về sư phạm rất thành công mà ông đã tạo ra và điều khiển. Các nhân vật trong cuốn sách đều là học trò của Makarenko, và những sự kiện được miêu tả cũng là những sự kiện thực.
Dùng roi vọt để dạy dỗ không phải là biện pháp giáo dục lành mạnh.
Lý thuyết về giáo dục của Makarenko chú trọng vào cách tiếp cận “tập thể”, có nghĩa là một nhóm trẻ em được tổ chức và có một mục tiêu chung. Makarenko lý luận rằng những công dân năng động và tràn đầy sinh lực tự nhiên trong tập thể, những người có nền tảng đạo đức đối với những hành động của họ có thể “lái” những người khác cư xử theo những chuẩn mực đạo đức này. Nhiệm vụ của giáo viên chỉ là lãnh đạo tập thể này một cách khéo léo và khôn ngoan. Một trường học có thể là một tập thể đoàn kết. Đời sống lao động tập thể là điều kiện quan trọng nhất để bồi dưỡng ý thức kỷ luật và ý thức tổ chức cho nhi đồng. Kỷ luật là kết quả của công tác giáo dục, kỷ luật phải xây dựng trên sự tin tưởng ở học sinh. Makarenko cho rằng không có một người nào hoàn toàn hư hỏng. Theo ông, trẻ em hư hỏng chỉ chứng tỏ rằng người thầy đã thất bại mà thôi.
Đối với những học sinh không cố ý tuân theo kỷ luật thì có cần dùng phương pháp trừng phạt không? Makarenko cho rằng gạt bỏ việc trừng phạt là thể hiện của chủ nghĩa nhân đạo giả dối. Theo ông, một chế độ trừng phạt hợp lý có thể giúp cho việc hình thành một nhân cách kiên cường, một tinh thần trách nhiệm cao, một ý chí sắt đá. Chế độ trừng phạt phải được xây dựng trên cơ sở bảo vệ lợi ích của tập thể mà không hại đến một cá nhân nào.
Những học sinh cá biệt của ông Makarenko sau đó nó trở thành những anh hùng Liên Xô. Trong đám ma của ông ấy, họ đến tiễn đưa rất đông. Điều đó chững tỏ sự nghiệp giáo dục của ông đã thành công và trở thành ngọn đuốc soi đường cho những ai đã quyết tâm tận tuỵ với nghề giáo gian khổ và vinh quang.
Bây giờ trở lại với thực tại giáo dục có cần bạo lực hay không? Chúng ta vẫn nghe nói đến triết lý: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”; “Hay chữ, dữ đòn”. Như vậy tức là xưa nay người ta có công nhận trong giáo dục cần có đòn roi, bạo lực. Nhưng bây giờ xã hội không ca ngợi chuyện đó nữa. Đánh con cái hoặc dùng bạo lực với trẻ em/học sinh – xét về mặt giáo dục là thất bại thảm hại - mặc dù chúng rất sợ. Rõ ràng vũ lực không tạo ra uy tín. Uy tín là năng lực thực tiễn của mình. Trẻ con/học sinh cứ nhìn vào năng lực thực tiễn của người lớn, người thầy để nghe/làm theo.
Người ta nói người lớn phải độ lượng. Thậm chí là ngay cả với phụ nữ và trẻ em thì không nên có lời nói hoặc hành vi gì nặng nề với họ. Chỉ cần họ làm được 4, 5, hoặc 7 phần công việc là nên khích lệ động viên để họ có động lực phấn đấu tiếp. Chỗ này cần nói rõ hơn là với trẻ em, muốn giáo dục chúng thì phải hiểu chúng. Nếu không hiểu trẻ, thì không thể giáo dục được trẻ; hoặc cần giáo dục chúng để hiểu chúng. Nói thế nào cũng đúng. Có thể ví dụ cho dễ hiều thế này, thông thường chúng ta lái xe máy đi làm cứ tưởng là mình lái nó, nhưng thực ra là nó đang lái mình theo cách của nó. Nếu mình làm trái quy tắc của chiếc xe, nó sẽ đổ và làm ngã mình ngay. Với trẻ con cũng vậy, muốn làm bạn của chúng, mình phải hiểu trẻ thì mới cảm hoá được trẻ.
Tức là người thầy phải làm sao giúp cho trẻ cảm thấy như thể chúng đang ở thế chủ động, thì mình mới thành công. Còn giáo dục mà áp đặt tức là không ổn.
Với câu chuyện phụ huynh bắt giáo viên quỳ, điều này chứng tỏ xã hội đang nảy sinh ra những người đề cao cá nhân mình. Cái tôi của họ ghê gớm quá. Và tôi nghĩ là họ sai. Sai ở chỗ nào? Phụ huynh lẽ ra phải xem con mình như thế nào đã chứ. Mình mắng con mình, rồi mình tới nói với cô sau. Con mình, mình phải giáo dục chứ. Nếu cô sai, thì góp ý, làm gì đến nỗi bắt cô giáo - người có uy tín, đang đứng trên bục giảng, phải quỳ như vậy. Tôi cực lực lên án hành động ngạo ngược, ứng xử với giáo viên của con thiếu văn minh như vậy.
Giờ đây ứng xử học đường rất quan trọng. Những câu chuyện đau lòng chốn học đường diễn ra gần đây chứng tỏ xã hội mình cởi mở quá, dân chủ quá nên người ta không hiểu đâu là giới hạn. Dân chủ phải là tập trung, phải có kỷ cương, nền nếp, nội quy. Chứ sao lại có thể hỗn độn, thích làm gì trong nhà trường/công sở đều được?
Theo ĐĐK