10 quy tắc chụp ảnh đẹp bằng điện thoại ai cũng nên nằm lòng
Tuân theo quy tắc không chỉ giúp bạn có thêm ảnh đẹp mà còn giúp bạn nâng cao thêm trình độ nhiếp ảnh nữa đấy.
Bạn không cần phải nhớ hết toàn bộ 10 quy tắc này, hãy dành thời gian ra để thực hành với từng quy tắc. Dần dần bạn sẽ nghiệm ra được lúc nào thì nên sử dụng quy tắc nào để chụp. Có thể lúc đầu chúng ta chụp chưa đẹp, nhưng hãy kiên trì luyện tập, kết quả bạn nhận lại được chắc chắn sẽ rất tuyệt vời.
1. Chọn lựa khung cảnh đơn giản
Khi chụp ảnh trên smartphone, chắc chắn bạn sẽ nhắm tới đối tượng của mình chụp và tập trung vào đó dẫu cảnh vật có ra sao. Nhưng máy ảnh thì không, nó chụp lại tất cả. Và nếu bạn không muốn người xem không hiểu bạn muốn chụp cái gì hay muốn nhấn mạnh điều gì, hãy lược bớt những gì thừa thãi trong khung cảnh của bạn đi và chụp.
Như ảnh bên phải các bạn thấy thì chọn khung cảnh với cát sẽ làm nổi bật lên những hòn đá hơn rất nhiều so với toàn đá là đá như bức hình bên trái
Mẹo chụp hình:
Đưa máy lại gần hơn để chụp với những cảnh rộng.
Nếu là cảnh tĩnh vật thì loại bớt các vật thể không liên quan.
2. Lấp đầy khoảng trống trong khung hình
Đây là một lỗi rất phổ biến mà nhiều người mắc phải và ngay cả bản thân mình cũng bị. Việc này xuất phát từ khi bạn chụp một tấm hình mà để chừa lại một khoảng trống khá lớn về một bên hoặc là xung quanh khiến người xem cũng cảm thấy bối rối.
Chùm dâu sẽ trông ngon hơn rất nhiều nếu được chụp như hình bên dưới.
Mẹo chụp hình:
Đưa máy hoặc vật thể hoặc chủ thể lại gần hơn để chụp.
Căn chỉnh lại vật thể hoặc chủ thể vào giữa khung hình.
3. Thay đổi tỉ lệ khung hình
Thật là nhàm chán nếu các tấm hình của bạn vẫn mãi chỉ ở tỉ lệ 4:3 quen thuộc. Hãy thử sang ảnh vuông với tỉ lệ 1:1 hoặc khung ảnh màn ảnh rộng tỉ lệ 16:9. Việc thay đổi tỉ lệ khung hình sẽ kích thích sự sáng tạo của bạn lên rất nhiều.
Lần lượt tỉ lệ khung hình của các ảnh là 4:3, 1:1 và 16:9
Mẹo chụp hình:
Chỉnh tỉ lệ khung hình ở phần cài đặt trong ứng dụng máy ảnh.
4. Tránh xa tâm của khung hình
Đây là một quy tắc chụp ảnh nâng cao hơn khi mà bạn đã quen chụp với điều kiện đưa vật thể vào tâm của khung cảnh. Việc đưa chủ thể hoặc vật thể ra ngoài tâm của khung hình sẽ tạo nên những bức ảnh có chiều sâu hơn. Tuy nhiên, để chụp những tấm hình như vậy thì bạn cần phải có thời gian luyện tập bởi vì nó sẽ đòi hỏi bạn phải có cảm quan tốt hơn chứ không còn là nhắm mắt rồi chụp nữa.
Khách sạn Burj al-Arab trở nên nổi bật lên giữa biển cả khi được đặt lệch về phía bên phải khung hình
Mẹo chụp hình:
Cứ đưa chủ thể hoặc vật thể ra khỏi tâm của khung hình.
Lựa chọn góc chụp, điều kiện ánh sáng, khung cảnh xung quanh,... sao cho phù hợp nhất.
5. Tận dụng các đường dẫn hướng có sẵn
Những đường dẫn hướng này có thể là đường ray xe lửa, hàng rào,... và cũng có thể cong hay thẳng tùy theo cảnh vật. Việc tận dụng những đường này sẽ giúp điều chỉnh hướng nhìn của người xem về một chủ thể hoặc vật thể mà bạn muốn làm nổi bật. Hoặc đơn giản là những đường đồng nét song song này sẽ tạo nên cho bức ảnh của bạn có thêm chiều sâu.
Một ví dụ về các đường dẫn hướng hội tụ về một điểm để làm nổi bật lên chủ thể đứng ở giữa
Một ví dụ khác về sử dụng đường dẫn hướng. Bạn có thấy chiều sâu của bức ảnh được tăng lên không?
Mẹo chụp hình:
Tìm góc máy phù hợp để tận dụng những đường dẫn hướng song song sao cho chúng hội tụ về chủ thể hoặc vật thể.
6. Tận dụng các đường chéo
Cũng gần giống như ở trên chúng ta tận dụng những đường dẫn hướng thẳng nhưng quy tắc này sẽ giống như phiên bản độ khó cao hơn của quy tắc trên. Việc sử dụng những đường nằm ngang sẽ làm cho bức ảnh thêm phần ổn định, tạo cảm giác chắc chắn,... Nhưng nếu bạn biến chúng thành những đường chéo sẽ đem lại một cảm giác gì đó chơi vơi, nguy hiểm hoặc trở nên mạnh mẽ hơn.
Trông anh chàng lái xe của chúng ta ngầu hơn khi ở góc chụp này.
Một cái nhìn thật khác, một cảm giác như đang bay trên một chiếc tàu bay tới đường chân trời vậy.
Mẹo chụp hình:
Tận dụng những đường thẳng và chọn góc máy phù hợp.
Có thể xoay nghiêng máy để chụp nếu thấy cần thiết.
7. Chừa lại khoảng trống
Nguyên tắc này dành cho các bạn chụp lại những vật thể đang di chuyển. Tất nhiên, chúng ta sẽ phải đoán hướng đi của vật thể hoặc chủ thể và chừa lại một chút khoảng trống trước khi chụp để khi bấm máy là cùng lúc đó vật thể hoặc chủ thể lọt vào giữa khung hình.
Chiếc xe của chúng ta đang lao đi nhanh quá phải không.
Mẹo chụp hình:
Khóa nét bằng tay trước khi chụp.
Chỉnh tốc độ chụp nhanh hơn nếu cảm thấy cần thiết.
8. Kiểm soát hậu cảnh
Với những chiếc smartphone không có khả năng xóa phông thì việc kiểm soát hậu cảnh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Và dù kể cả máy của bạn có xóa phông tốt đến mấy đi chăng nữa thì bạn cũng nên quan tâm tới việc bài trí hậu cảnh của mình.
Hậu cảnh ở đây chính là tấm nền phía sau chủ thể hoặc vật thể của bức ảnh. Nếu bạn kiểm soát hậu cảnh không tốt thì những bức hình bạn chụp có thể gây lộn xộn, thậm chí là rối mắt cho người xem. Nhưng nếu bạn biết tận dụng góc chụp thì ngay cả những hậu cảnh tưởng chừng như xấu nhất vẫn có thể làm nên những tuyệt tác.
Hậu cảnh tầm thường và một bức ảnh đẹp tới không ngờ.
Mẹo chụp hình:
Thay đổi góc chụp đến khi tìm được góc chụp ưng ý.
Đổi chỗ, căn chỉnh vật thể hoặc chủ thể sao cho phù hợp với góc chụp ưng ý đã chọn được ở trên.
9. Sáng tạo với màu sắc
Không chỉ là phối màu sáng tối để tạo ra sự tương phản màu sắc, bạn cũng có thể lựa chọn phối các màu cùng tông cho tấm ảnh,... Có vô vàn các cách phối màu khác nhau giúp tấm hình của bạn trở nên đẹp mắt hơn.
Những chiếc lá mùa thu.
Mẹo chụp hình:
Hãy thử sáng tạo với những màu sắc mà bạn có.
10. Phá vỡ quy tắc
Quy tắc là thứ cần thiết giúp bạn hoàn thiện những kỹ năng bạn chưa có, nhưng khi bạn đã có đủ kỹ năng thì chúng lại là những người cản trở sự sáng tạo trong con người bạn. Hãy để trí tưởng tượng của bạn bay xa hơn nữa nào.
Bạn có nhận ra những quy tắc nào quen thuộc trong tấm hình này không?
Mẹo chụp hình:
Đơn giản thôi, hãy để những quy tắc sang một bên và nhường lại sân khấu cho sự sáng tạo.
Như các bạn đã thấy đấy, chụp hình đẹp không hề khó. Vấn đề là các bạn có đủ kiên nhẫn cũng như có đủ thời gian luyện tập hay không thôi. Chúc các bạn sẽ chụp được những tấm hình đẹp ưng ý nhé.
Theo Nguyễn Anh Tuấn/TGDĐ