• :
  • :

5 cách vượt lên bế tắc trong công việc

Stephent Key, nhà đầu tư, diễn giả cũng như đồng sáng lập công ty tư vấn kinh doanh invent Right đã chia sẻ 5 bí quyết đơn giản nhưng mọi người thường bỏ qua để vượt lên bế tắc trong công việc.  

Tôi đã làm việc cho một dự án trong suốt nhiều năm nhưng ngày qua ngày, mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Không có gì thay đổi hay tiến triển.

Sự nghi ngờ len lỏi vào tâm trí tôi, khiến tôi tự hỏi mình có thể tiếp tục trong bao lâu nữa. Vì biết "từ bỏ" không phải là một phương án hay nên tôi đã sử dụng những lời khuyên và biện pháp dưới đây để giữ cho bản thân luôn tập trung và đi đúng hướng.

 

5 cách vượt lên bế tắc trong công việc

 


1. Cho tâm hồn của bạn "ăn"

Chúng ta thường tập trung giải tỏa nhu cầu của dạ dày nhiều hơn của tâm trí. Vậy nên khi gặp bế tắc, hãy tìm cách cho tâm trí của mình được "ăn". Bản thân tôi, tôi thấy cách tốt nhất là tìm gặp những người vui vẻ, có thái độ sống tích cực. Những nguồn năng lượng tỏa ra từ họ sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn, suy nghĩ lạc quan hơn.

Trường hợp bạn làm việc trong một đội, nếu có khúc mắc, hãy mạnh dạn hỏi ý kiến đồng nghiệp. Nhiều người ngại vì nghĩ điều này sẽ phơi bày điểm yếu hoặc sự "dốt nát" của mình tuy nhiên tôi lại thấy đồng nghiệp hay những người có kinh nghiệm khác sẽ dễ dàng đưa ra giải pháp cho vấn đề làm tôi đau đầu trong nhiều ngày. Và hỏi vài câu thì cũng đâu có gì khó khăn! 

2. Tập trung vào bức tranh toàn cảnh hơn là chi tiết

Khi gặp bế tắc trong công việc hãy nghĩ xa hơn. Thật ra mục tiêu cuối cùng bạn hướng đến là gì? Có phải bạn đã quên mất mục tiêu đó rồi hay không. Phần lớn chúng ta thường tập trung vào tiểu tiết hơn là nhìn đến bức tranh toàn cảnh.

 

Vậy nên hãy viết mục tiêu cuối cùng của bạn lên một tờ giấy nhớ, dán ngay vào màn hình máy tính và đính kèm với một hình ảnh đại diện cho mục tiêu đó. Bất cứ khi nào bế tắc hay mệt mỏi, tôi lại nghĩ đến lý do mình đã bắt đầu và cảm thấy có động lực để đi tiếp.

 

3. Lấy lại cảm hứng

Khi cần một chút "chất xúc tác" cho tâm hồn, tôi thường tìm đọc sách "Sự kỳ diệu của việc nghĩ lớn" (the Magic of Thinking Big). Quyển sách luôn giúp tôi lấy lại tinh thần, nhắc nhở tôi về những khả năng mình đang có và cách vận dụng chúng để đạt được mục tiêu. Còn bạn thì sao?

Hãy tìm một vài quyển sách, blog hoặc website truyền cảm hứng cho chính mình đi. 

4. Dành thời gian cho sở thích cá nhân

Niềm vui ngoài công việc của bạn đến từ đâu? Nếu bạn gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi này, thì cuộc sống của bạn thật buồn chán đấy.

Ví dụ như tôi, dù không có nhiều sở thích nhưng tôi cũng có một cái tâm đắc, ấy là làm vườn. Khoảng sân sau nhà là thế giới riêng của tôi và tôi có thể làm vườn bất cứ khi nào tôi muốn, không cần phụ thuộc vào ai hết. Bất cứ khi nào tôi cảm thấy quá tải hoặc tinh thần xuống dốc, tôi sẽ để cho chân tay mình ngập trong bùn đất. Sau đó tôi trở lại làm việc với một cái đầu mở và trái tim tràn ngập niềm vui.

5. Hãy cho đi

Khi công việc có vấn đề, hãy dừng tập trung vào nó cũng như ngừng đặt những câu hỏi chất vấn cho bản thân, ví dụ: có phải mình làm chưa đủ tốt hay đã làm sai ở chỗ nào. Thay vào đó bạn nên dành thời gian giúp đỡ những người xung quanh mình, hoặc tham gia một số công việc từ thiện, công việc của cộng đồng. Bất cứ lúc nào tôi thấy chán nản, tôi đều làm vậy và hiệu quả mang lại chưa bao giờ khiến tôi thất vọng.

Duy trì động lực làm việc không hề dễ dàng, đặc biệt là khi mục tiêu bạn đang hướng đến dường như vượt xa tầm với. Tuy nhiên đừng quá hạ thấp bản thân mình, cũng như đừng quá phấn khích khi mọi việc diễn ra suôn sẻ. Thành công luôn đòi hỏi thời gian và con đường bạn đi sẽ luôn có lúc lên, lúc xuống.

Có thể bạn đã nghe điều này rồi nhưng tôi vẫn muốn nói lại một lần nữa: Hãy cố gắng tận hưởng trọng vẹn cuộc hành trình vì có thể với tới đỉnh cao không tuyệt vời như bạn vẫn nghĩ đâu.

 

Theo Trí Thức Trẻ

Lượt xem: 278
Nguồn:hawking.edu.vn Sao chép liên kết
TIN LIÊN QUAN

Nội dung đang cập nhật...