5 giờ đã đòi xách cặp về, sếp bảo làm cuối tuần thì kêu than, nghỉ chút là ngồi ăn: Rốt cuộc là bạn trẻ đang đi làm hay đi nghỉ dưỡng?
1. Tôi được như ngày hôm nay, ít nhiều cũng nhờ những giờ làm thêm...
Tôi được như ngày hôm nay ít nhiều cũng nhờ những giờ làm thêm đó. Thời gian bắt đầu công việc của chúng tôi là cố định, nhưng thời gian kết thúc công việc thì không, phải đi làm thứ bảy, còn chủ nhật thì tùy tuần.
Quy định này được thành lập từ khi thành lập công ty, không phải mới "đẻ" ra để bắt nạt người mới. Hơn nữa khi phỏng vấn, tôi cũng đã nói trước công việc ở đây vô cùng vất vả.
Công ty chúng tôi học và áp dụng chính sách "up hoặc out". Nếu bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trình độ ngày càng cao, thì bạn sẽ được tăng lương, thăng chức. Ngược lại nếu bạn cho rằng mình đã hoàn thiện và không chịu phấn đấu nữa thì bạn sẽ phải ra đi.
Đặc biệt, công ty còn đặt ra một tỉ lệ sa thải nhất định, để đảm bảo trong công ty sẽ không xuất hiện những thành phần "rảnh rỗi" và "chậm tiến".
Thậm chí tôi còn từng đề nghị một cấp dưới của tôi dành một năm để cống hiến cho công ty, đừng vội yêu đương, bởi cô ấy mới đi làm, kinh nghiệm cuộc sống còn quá ít, rất dễ bị người đời lừa gạt.
Chi bằng một năm này tập trung làm việc, đồng thời mở rộng các mối quan hệ để phát triển chính mình. Sau này khi sự nghiệp vững vàng rồi, cũng hiểu biết hơn rồi, cô ấy sẽ có thể chọn được cho mình một nửa phù hợp hơn.
2. Bạn làm gì khi người khác đang tăng ca?
Theo tôi, có hai kiểu người có thể không làm thêm giờ: Một là những người có con nhỏ, cần thời gian chăm con. Hai là những người có hiệu suất công việc cực cao, không cần thiết phải làm thêm giờ.
Bạn có thể nói cho tôi biết bạn thuộc loại nào trong hai loại trên không? Nếu không thì bạn dựa vào cái gì mà muốn về sớm, mà đòi hỏi được nghỉ làm thứ bảy?
Còn trẻ mà chưa từng làm thêm giờ thì chắc bạn bao giờ thực sự "đi làm". Các bạn trẻ, nếu không làm thêm giờ, vậy thì sau khi tan việc các bạn đã làm gì?
Bạn nói bạn đi shopping? Hay lắm! Vì không có nhiều tiền nên bạn dành cả đống thời gian chỉ để đi loanh quanh xem shop nào đang giảm giá, shop nào đang khuyến mãi. Bạn dành ba tiếng đồng hồ chỉ để tiết kiệm một hai trăm nghìn, thời gian của bạn "đáng tiền" thật.
Bạn nói cuối tuần muốn đi du lịch? Cũng tuyệt lắm! Một tour giảm giá siêu khuyến mãi, đi đi về về cũng mất gần cả ngày, vậy bạn thăm thú được cái gì? Cái kiểu du lịch "mì ăn liền" này, một mình bạn tự hành hạ mình thì thôi đi, nếu còn dắt theo cả bố mẹ hoặc bạn gái thì "vẻ vang" không?
Bạn nói bạn có thể tụ họp ăn uống, hát karaoke cùng bạn bè? Hay ghê!
Thu nhập của bạn sẽ quyết định đẳng cấp bạn bè của bạn. Có thể ngày ngày lăn lộn cùng bạn, chắc cũng không phải người cao siêu gì. Dù có ăn uống nhiều hơn nữa cũng không thể ăn ra lương tháng vài chục triệu; hát có nhiều hơn nữa cũng không thể hát ra một tương lai tươi đẹp.
Rất nhiều người nói, họ muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đi làm là đi làm, đã hết giờ thì phải về nhà. Nói thật, tôi có chút nghi ngờ với cách nghĩ này.
Nếu người trẻ hoặc người mới đi làm mà tin theo mấy cái "an nhàn" kiểu này, thì xin chúc mừng, bạn đã gia nhập vào biệt đội có tương lai không biết về nơi đâu.
Tôi cho rằng, cân bằng giữa công việc và cuộc sống chính là biết kết hợp chúng với nhau, công việc đi đôi với cuộc sống.
3. Xin đừng lãng phí tuổi trẻ của chính mình
Từ sau khi tốt nghiệp đại học đến 30 tuổi chính là thời gian làm việc hoàng kim. Đừng tin những lời như "dành cả đời để học" hay tuổi trẻ phải chơi nếu không về già sẽ hối hận.
Đây là quãng thời gian mà cả thể lực và trí lực của bạn ở độ cao nhất trong cuộc đời, cũng chỉ có mấy năm này, bạn chưa phải hiếu kính ba mẹ, cưới vợ sinh con. Hãy nhớ rằng thời gian này là tài sản quý báu nhất của bạn, cũng là thời điểm thuận lợi nhất để bạn tập trung phát triển sự nghiệp.
Điều gì giúp tăng giá trị bản thân của bạn nhanh nhất? Chính là một công việc có tiền đồ rộng mở. Những việc khác đều là lãng phí.
Một người đã bước qua độ tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời như tôi, mỗi lần nhìn những bạn trẻ tự nuông chiều bản thân, đều không kìm được cảm thấy đáng tiếc.
Tôi thường hay đùa với mấy cấp dưới còn trẻ của tôi rằng, nếu có thể anh tình nguyện bỏ cả trăm triệu để đổi lấy năm năm tuổi trẻ này của các bạn. Một người, có thể thành đạt sớm là một chuyện tốt đẹp biết bao.
Bi kịch của đời người đa số đều là: Tuổi trẻ có thời gian, sức khỏe, trí lực, nhưng lại không có tiền, không làm được chuyện gì, không thể tận hưởng được cái hay cái đep của cuộc sống; đợi đến 40, 50 tuổi khi đã có tiền, lại không có trí lực, sức khỏe, thời gian để tận hưởng cuộc sống.
Một nhà văn nổi tiếng từng nói: "Muốn thành danh thì hãy nhân lúc còn sớm."
Khi vẫn còn trẻ, nếu có thể có nhiều tiền hơn, lại có trí lực, sức khỏe, có thời gian, có năng lực, có thể sống theo ý muốn của mình, tự do trải nghiệm, thật sự là một điều quá đỗi tuyệt vời.
Mấy quyển sách "súp gà cho tâm hồn" rất hay khuyên người trẻ không nên sống quá vội vàng, thành công đến chậm cũng tốt, thành công sớm quá dễ sa ngã.
Câu này khiến tôi có chút hoài nghi: người ta đã thành công rồi thất bại rồi lại thành công, còn bạn vẫn đang cố gắng trên con đường thành công, vậy rốt cuộc cuộc sống của ai đặc sắc, thú vị hơn?
Còn trẻ thất bại thì đã sao, vẫn còn thời gian để làm lại từ đầu, nhưng thất bại khi tuổi đã cao, rất khó để xoay mình lật thế.
Có một sự thật rất tàn khốc: Con người ta tuổi càng cao thì xác suất thành công càng thấp. Xác suất thành công không hề tỉ lệ thuận với độ tuổi như mọi người vẫn nghĩ.
Trong một công ty, khi bạn đã 30 mà vẫn chưa có được thành tựu gì, chưa nhận được sự công nhận của sếp, thì bạn dựa vào cái gì để cạnh tranh với những người có nhiều thời gian và sức lực, nhưng lại nhận mức lương thấp hơn bạn?
Trong công việc, nhiều khi không phải càng lớn tuổi thì càng có sức cạnh tranh, mà là càng lớn tuổi thì càng không có sức cạnh tranh.
Rất tàn khốc đúng không? Thế giới chính là như vậy.
Cho nên, đến sếp còn phải làm thêm giờ, bạn có lý do gì để lười biếng đây?
Theo sandy/Trí thức trẻ