6 bài học quản lý chi tiêu cha mẹ cần dạy con
Với những người trẻ, lần đầu đi học đại học thường cũng là lần đầu tiên rời xa gia đình, cha mẹ của mình. Ở Mỹ, cũng không khác ở Việt Nam, phần lớn phụ huynh vẫn chu cấp cho con mình.
Nhưng rõ ràng là những sinh viên trẻ tuổi này cần bắt tay vào việc quản lý tài chính của riêng mình. Điều này là thử thách với cả sinh viên và cha mẹ họ.
“Tôi nghĩ điều quan trọng nhất cha mẹ cần phải biết đó là con họ sẽ tự lo cuộc sống bằng việc gì, một cách chi tiết nhất có thể”, Jean Chatzky - biên tập viên tài chính của chương trình Today, người có 2 con vừa vào đại học nói, “Chúng thật sự cần hiểu được mình sẽ rút cái gì ra từ máy ATM và nên cà thẻ ghi nợ bao nhiêu lần”.
Theo ông, cha mẹ nên nói chuyện thẳng thắn với con cái về vấn đề tiền bạc, như cha mẹ sẽ chịu trách nhiệm chi trả những gì và chúng sẽ phải tự lo những gì; cha mẹ sẽ chu cấp như thế nào, trong bao lâu, bao nhiêu; và điều gì sẽ xảy ra nếu hết tiền…
“Tôi rất lo về việc để con rời khỏi nhà đi học đại học khi chúng chưa hề biết gì về quản lý tiền bạc”, Liz Weston - tư vấn chuyên mục tài chính của trang Business Insider nói, “Và nếu chúng đi học ngay vào tuần sau, việc chỉ dạy chúng bây giờ là hơi chậm trễ”.
Cô cho rằng nên bắt đầu cho con làm quen với khoản phụ cấp từ độ tuổi tiểu học, để chúng học cách tính toán ngân sách, và tìm hiểu việc kiểm tra tài khoản và sử dụng thẻ ghi nợ khi chúng học phổ thông. Chatzy mở tài khoản ngân phiếu cho con mình khi chúng học cấp hai và chuyển khoản trực tiếp vào đó.
Một việc khó khăn mà cha mẹ phải thực hiện đó là quyết khi nào thì họ sẽ hỗ trợ tài chính cho con cái, khi con của họ hết tiền trước tháng hoặc trước khi học kỳ kết thúc.
Hãy hướng dẫn con lập kế hoạch chi tiêu, đầu tiên là xác định chúng cần bao nhiêu cho những nhu cầu cố định, sau đó là xem xét chúng có khả năng chi trả cho việc mua thêm đồ ăn, đi uống café, mua quần áo, và những khoản chi khác vẫn thường phát sinh lên trong quá trình học đại học.
Hãy nhắc con của bạn tính đến cả những khoản chi lớn như việc về nhà vào kỳ nghỉ, những chuyến du lịch hoặc đám cưới bạn bè, và cả những khoản chi bất chợt như sửa xe hoặc đi xem ca nhạc. Dựa trên khả năng quản lý của con, bạn có thể quyết định gửi tiền hỗ trợ cho cả một học kỳ trước thời hạn, hoặc chỉ gửi từng tháng một. Dù theo cách nào đi nữa, hãy nhấn mạnh với con rằng việc quan tâm đến các khoản chi tiêu là rất quan trọng.
Sau đây là 6 bài học quản lý chi tiêu con của bạn cần học trước khi bắt đầu năm đầu tiên xa gia đình để học đại học, theo Jean Chatzky. Bạn sẽ thấy nó phù hợp không chỉ với người Mỹ.
1. Lập ngân sách và theo dõi nó
Chúng ta đều thoải mái hơn nếu biết rõ mình có bao nhiêu tiền mình và mình sẽ chi tiêu bao nhiêu. Dù bằng cách sử dụng những ứng dụng điện thoại, công cụ trực tuyến hay bảng tính để kiểm soát, con của bạn cần học cách sống gói gọn trong những gì mình có và chi tiêu theo ngân sách đã lập ra.
2. Học hành một cách nghiêm túc
Tương lai của mỗi người chịu tác động nhiều từ việc họ học những gì và chơi với những ai
Học những gì và chơi với những ai, đó là điều sẽ ảnh hưởng lớn tới tương lai của mỗi người. Những mối quan hệ chuyên nghiệp được tạo nên ở trường đại học sẽ là những người mà người ta cần giữ liên lạc trong suốt cuộc đời mình. Hãy nói cho con bạn hiểu rằng nếu rớt một lớp học, chúng sẽ chậm tốt nghiệp và phải trả thêm tiền cho những lớp học phải học lại, và rất có thể bạn sẽ không cho chúng số tiền ấy.
3. Theo dõi tài khoản
Cha mẹ cần có cách để kiểm tra các khoản chi tiêu của con, như cung cấp cho chúng một tài khoản phụ chẳng hạn. Hãy đảm bảo rằng các giao dịch mà chúng thực hiện là phù hợp. Hãy nhấn mạnh rằng nếu chi tiêu ngoài nhu cầu cần thiết thì chúng sẽ phải tự chịu trách nhiệm. Một số ứng dụng, chức năng thông báo qua email hoặc tin nhắn có thể giúp việc theo dõi dễ dàng hơn. Con bạn cũng cần được cảnh báo về việc không được chia sẻ mật khẩu và mã PIN với bạn cùng phòng, kể cả người yêu.
4. Mua sắm thông minh
Trong hầu hết trường hợp, đồ nội thất hay vật dụng trang trí đã sử dụng rẻ hơn và vẫn còn tốt. Quần áo cũ và các sản phẩm chung là những cách khác để tiết kiệm. Việc mua sắm thông minh cũng cần được áp dụng khi mua sách vở: Cần biết chắc mình cần mua sách gì, và không nên mua trước khi năm học bắt đầu. Mượn sách, dùng sách đã qua sử dụng, dùng chung với bạn, hoặc mua sách bản cũ cũng là những cách để tiết kiệm.
5. Làm việc bán thời gian
Nhiều phụ huynh không muốn con mình đi làm khi đang học đại học, nhưng việc một sinh viên chưa tốt nghiệp không có 10 tiếng mỗi tuần dành ra cho việc làm thêm là rất hiếm thấy. Làm thêm bán thời gian không chỉ đem lại thu nhập mà còn giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm.
6. Học nấu ăn, dọn dẹp và giặt quần áo
Những người biết nấu ăn (và thật sự làm việc đó) tiết kiệm được rất nhiều tiền so với những người luôn ăn ngoài. Biết cách giặt giũ sẽ giúp quần áo không bị nhanh hỏng. Tự dọn dẹp phòng là cách nâng cao chất lượng sống cho bản thân (không phải sống giữa bề bộn sách vở, đồ ăn và… rác), tránh tốn tiền thuốc cho những bệnh vặt. Hãy hướng dẫn con những việc trên trước khi chúng bắt đầu đi học.
Theo DNSG