• :
  • :

7 lầm tưởng của Startup khi khởi nghiệp

Con đường khởi nghiệp đến với "hoa hồng" không hề đơn giản như những gì chúng ta nghĩ. Những người có kinh nghiệm và bước đầu thành công trong lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu bằng những lời khuyên "gan ruột" giúp startup định hình, phát triển con đường kinh doanh của mình.

 

Thực tế, có muôn vàn lý do khiến startup thất bại. Dữ liệu từ công ty CB Insights (Mỹ) cho thấy 70% startup công nghệ thất bại, thường là 20 tháng sau ngày khởi đầu. Chỉ số thất bại thậm chí còn tệ hơn với những dự án trong lĩnh vực phần cứng với 97%. Sản phẩm không phù hợp thị trường, hết tiền, cạnh tranh khốc liệt, gặp vấn đề tài chính... được xem là một trong những lí do khiến nhiều dự án phải dừng lại. Và sự thất bại của các dự án khởi nghiệp cũng đến từ 7 lầm tưởng sau.

Lầm tưởng 1: Lập được kế hoạch đúng cho con đường của bản thân, và "Work smart not work hard"?

Trong một buổi chia sẻ với các Startup Việt Nam, Tổng Giám đốc Công nghệ (CTO) Uber Toàn cầu Thuận Phạm khuyên nhủ: "Tôi cam đoan là bạn không thể lập được kế hoạch đúng cho con đường của mình". Với Startup, ông Thuận Phạm cho rằng điều quan trọng là phải làm việc 16 tiếng một ngày.

"Bản thân tôi chỉ là một người bình thường, nhờ làm việc chăm chỉ hàng chục năm và may mắn mà có ngày hôm nay. Nếu các bạn cũng chăm chỉ làm việc, cố gắng hết mình thì may mắn sẽ đến và bạn không chỉ tạo được cơ hội cho mình và cho cả những người khác nữa. Và không phải là tôi tìm thấy Uber mà Uber đã tìm thấy tôi", CTO Uber toàn cầu tâm sự.

Ông Thuận cũng nhắn nhủ các bạn trẻ đừng nghĩ quá nhiều về con đường của mình, bởi người ta thường sẽ không biết thực sự nó sẽ ra sao. "Khi tốt nghiệp cách đây hơn 20 năm, tôi cũng không biết con đường của mình sẽ đi về đâu. Chỉ mới cách đây 4 năm, tôi mới gia nhập Uber mà thôi và nếu cứ tính toán quá nhiều thì tôi cũng sẽ không làm được gì", ông Thuận chia sẻ tại một sự kiện hồi giữa năm 2017.

Lầm tưởng 2: Có thể trở thành "Mark Zuckerberg" và ôm mộng thay đổi thế giới

Theo CEO Ba Lá Xanh Lê Đăng Khoa, khởi nghiệp đừng nghĩ ra những cái gì quá xa xôi, cao siêu mà hãy nghĩ đến những điều thiết thực thôi. Cơ hội đến với mình từ những sản phẩm đơn giản.

"Một món hàng nhỏ bước ra thị trường có thể trở thành rất lớn. Những sản phẩm bình thường nhưng chúng ta bán với cách thật mới, chẳng hạn dùng công nghệ để giao hàng… thì cơ hội thành công sẽ đến", Shark Lê Đăng Khoa nhấn mạnh.

Tham gia Shark Tank đã một phần giúp 2 CEO Lê Đăng Khoa và Trương Lý Hoàng Phi có thêm những bài học dành cho các Startup.

Ngoài ra, Shark Khoa cũng nhắn nhủ Startup: Trong khởi nghiệp, đừng bao giờ cố chứng minh sản phẩm của mình là duy nhất trên thế giới. Không nhất thiết sản phẩm duy nhất trên thế giới mới là dự án khởi nghiệp. Cứ làm những sản phẩm mà nước ngoài đã làm đem về Việt Nam, miễn sao cách làm khác, tư duy khác và chứng minh được bằng các con số cụ thể.

Lầm tưởng 3: Gọi được vốn là đã thành công

Theo Shark Trương Lý Hoàng Phi - Phó Chủ tịch hội doanh nhân trẻ Tp.HCM - Sáng lập BSSC, khi startup chỉ chăm chăm nhìn vào túi tiền của NĐT sẽ không bao giờ là đủ cả, đó là điều rất rất sai lầm trên con đường gọi vốn khởi nghiệp. Giá trị mà các startup nhận được nhiều hơn ngoài tiền là kinh nghiệm, kiến thức, ekip… nhất là ở giai đoạn non nớt.

Tiền là yếu tố giúp startup đi thôi chứ không phải điều quyết định đến sự thành bại. Các startup cũng hay lầm tưởng, được NĐT nhận đầu tư là đã thành công. Thực tế, nhận đầu tư chỉ là bước đầu. "Nếu nói lấy vợ là thành công là sai lầm. Quan trọng là làm sao tìm được người đồng hành đủ dài- hiểu mình – tôn trọng nhau", nhà sáng lập BSSC ví von.

Lầm tưởng 4: Chọn thị trường nhỏ dễ thành công

Nhiều startup hiện nay vướng vào việc chỉ "gắn bó" những thị trường nhỏ. Chọn thị trường ngách là sự lựa chọn không khôn ngoan khi bắt đầu. Tầm nhìn lâu dài phải đủ lớn thì mới có đủ không gian để tăng trưởng nhanh và tồn tại.

Theo CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn, startup nguyên tắc là tăng trưởng nhanh, đột phá và tạo giá trị gia tăng lớn cho xã hội. Nếu chọn lĩnh vực nhỏ thì rất khó đạt được ba điều này. Do vậy, chọn thị trường đủ lớn, tầm nhìn đủ xa là điều cần nghiêm túc suy nghĩ khi khởi nghiệp.

CEO Tiki cho rằng, tầm nhìn của dự án của mình nên càng lớn càng tốt ngay từ đầu, có thể mạnh dạn nghĩ ra ngoài Việt Nam, thậm chí ngoài Đông Nam Á.

Lầm tưởng 5: Khởi nghiệp vì thất nghiệp, vì muốn "cool"!

"Bài học đầu tiên tôi học được với tư cách là một phụ nữ khởi nghiệp là đừng khởi động bất cứ ý tưởng nào nếu không xuất phát từ niềm đam mê và sự thôi thúc mãnh liệt trong tim rằng mình thực sự muốn hiện thực hóa ý tưởng này, mình muốn mang lại điều tốt đẹp cho xã hội và mình tin vào khả năng thành công của dự án. Nếu không có lòng tin, đam mê và động lực mạnh mẽ, bạn sẽ dễ chán nản trước những lời phản đối và phê phán khắc nghiệt từ những người xung quanh", Bà Tan Hooi Ling - Đồng sáng lập Grab - chia sẻ.

Kế đến, chúng ta cần hiểu rằng rất khó để thành công nếu khư khư đi một mình. Startup cần có đối tác, cộng sự... đồng hành với mình.

Lầm tưởng 6: Sợ gặp bố mẹ, người thân, vì ai cũng ngăn cản

CEO Vinamit Nguyễn Lâm Viên từng chia sẻ: "Ngày xưa khi mới khởi nghiệp, tôi rất sợ gặp bố mẹ, thậm chí cả vợ nữa! Vì ai cũng ngăn cản, sợ tôi quá mạo hiểm. Nếu bạn vượt qua được nỗi sợ của chính mình, bất chấp thế nào cũng làm thì mới khiến người khác không sợ".

Theo ông Viên, tác động tâm lý bầy đàn rất lớn, phải có niềm tin về con đường mình đi, đo được quy mô của nó, nếu không sẽ dễ bị tác động của bầy đàn. Nếu không tự tin về lợi thế cạnh tranh, giá cả, chỉ cần một bài báo khen là ngày mai tăng giá… sẽ dẫn đến tan vỡ rất nhanh. Bởi cơ hội nắm không chắc, đi không kịp, do mục tiêu không thực tế. Điều khó nhất là phải chiến thắng được nỗi sợ trong chính mình.

Lầm tưởng 7: Có thể vay ngân hàng để khởi nghiệp

Ông Kiên khuyên nhủ: "Đừng mơ vay ngân hàng nếu bạn chỉ có ý tưởng tốt. Bạn chỉ có thể vay được khi bạn mang nhà, ô tô, xe máy đi thế chấp".

Theo vị Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Thiên Minh, trong kinh doanh cần tin rằng tiền của bạn là quan trọng nhất. Vấn đề là lấy tiền của mình ở đâu? Các bạn có thể là lấy tiền từ bố mẹ, vay bạn bè, người thân và hãy tin rằng chắc chắn mình sẽ mất số tiền đó. Đó chính là vấn đề tài chính của khởi nghiệp.

Ông Kiên kể về giai đoạn khởi nghiệp của mình chưa hề vay ngân hàng đồng nào. Với số vốn ban đầu là 2.000 USD – số tiền tiết kiệm từ lao động vất vả để đầu tư. "Kiếm được bao nhiêu tiền tôi lại đầu tư tiếp, đầu tư tiếp. Do đó, lựa chọn tốt nhất trong việc tìm nguồn vốn khởi nghiệp là từ tiền của bạn", CEO Thiên Minh Group nhấn mạnh.

Lượt xem: 334
Nguồn:hawking.edu.vn Sao chép liên kết
TIN LIÊN QUAN

Nội dung đang cập nhật...