Cần có tư duy hiện đại trong đào tạo tiến sĩ
“Tuy nhiên, quy định làm sao để vừa phù hợp với thực tiễn, với xu thế hội nhập quốc tế, vừa không bỏ sót nhân tài - những người “chỉ là” TS thôi nhưng có năng lực, thành tích nghiên cứu vượt trội, hoàn toàn có thể cống hiến và tham gia đào tạo TS. Quy định cũng cần chỉ rõ những “trường hợp khác” nào được tham gia đào đạo TS trong đó có xét cả vấn đề lịch sử.”
Đã là quy định mới thì không thể “lạc hậu” với thực tiễn
- Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đang được Bộ GD&ĐT soạn thảo, có điều chỉnh, đề xuất một số quy định quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng GD - ĐT. Trong đó, riêng về vấn đề đào tạo sau ĐH, tại Điều 54 dự kiến bổ sung thêm quy định: Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Nói cách khác, chuẩn giảng viên dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phải là người có trình độ từ tiến sĩ trở lên; trường hợp khác do Bộ GD&ĐT quy định. Bà đánh giá như thế nào về đề xuất này?
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Theo tôi, đó là một đề xuất không mới và cũng không tiến bộ. Nếu cách đây khoảng 5 - 7 năm về trước thì đề xuất này còn hợp lý, vì thời điểm đó, trong điều kiện Việt Nam các ngành chưa có nhiều TS, nên việc đào tạo TS trong nước gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, thời điểm đó cũng chưa có nhiều GS, PGS được phong như vài năm trở lại đây. Còn hiện nay khi chúng ta đã hội đủ các điều kiện rồi mà vẫn quy định như vậy là “lỗi thời”, không còn hợp lý nữa.
Tại sao tôi thẳng thắn nói vậy? Vì trong điều kiện thực tế hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự giao lưu hội nhập quốc tế sâu rộng trong đào tạo, thì những yêu cầu như đề xuất ở Dự thảo trên không còn hợp lý nữa.
- Bà có thể chia sẻ rõ hơn về sự “không mới” của Dự thảo?
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Ở nhiều nước trên thế giới đã quy định trình độ của giảng viên tham gia đào tạo TS phải là GS, PGS. Tuy nhiên, có những “trường hợp khác” (trường hợp ngoại lệ) khi chỉ là TS nhưng có kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy, bằng chứng là họ tham gia nhiều đề tài khoa học trong nước và quốc tế, có nhiều công trình công bố trên các tạp chí có uy tín... thì vẫn có thể tham gia vào quá trình đào tạo, hướng dẫn NCS.
- Thực tế đề xuất nói trên trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục không phải là vấn đề mới. Từ rất lâu, những hiện tượng “cơm chấm cơm” trong GD ĐH, CĐ gần như đã được loại trừ. Trong những quy chế về tuyển sinh sau ĐH, hoặc điều kiện để cấp phép đào tạo sau ĐH cho các cơ sở đào tạo của Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu rất chặt chẽ tỷ lệ giảng viên có học hàm PGS, GS, hay ít nhất là trình độ TS. Dẫu vậy, cũng sẽ có ý kiến cho rằng TS đào tạo TS thì cũng là “cơm chấm cơm”, tương tự “cảnh” giảng viên chỉ có trình độ ĐH vẫn giảng dạy ĐH, hoặc Thạc sĩ dạy cao học như trước kia từng xảy ra ở nhiều cơ sở đào tạo. Vậy sự khác biệt nằm ở đâu, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Có những giai đoạn đúng là nhiều cơ sở đào tạo gặp không ít khó khăn về trình độ của giảng viên (khi mới tuyển dụng). Còn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đòi hỏi về chất lượng, thì giảng dạy, đào tạo ở bậc ĐH phải là người có trình độ từ thạc sĩ, đào tạo TS thì cần người có trình độ cao hơn TS. “Cao hơn” - theo tôi, là về kinh nghiệm, trình độ, chuyên môn, phương pháp, thành tích nghiên cứu khoa học...
Để tránh tranh cãi: Mọi yêu cầu “định tính” phải được quy ra “định lượng”
- Trong đề xuất về chuẩn giảng viên dạy trình độ thạc sĩ, TS, ngoài yêu cầu “cứng” là phải có trình độ tiến sĩ trở lên, còn có kèm theo nội dung “trường hợp khác” do Bộ GD&ĐT quy định. Là người tham gia công tác đào tạo sau ĐH, bà có thể nhận định “trường hợp khác” là những trường hợp như thế nào? Nên chăng cần nêu rõ về những “trường hợp khác” để tránh tranh cãi về sau?
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Mặc dù, như đã trao đổi ở trên, người tham gia đào tạo TS thì phải là những người có trình độ cao hơn TS, nhưng trong Dự thảo có quy định về những “trường hợp khác”, theo tôi cũng là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần quy định rõ những “trường hợp khác” là gì. Ví dụ, những người là TS, chưa là PGS, GS nhưng có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, đã công bố nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế; hay, do lịch sử để lại, nhiều người không là TS nhưng được phong hàm PGS, GS vì có những thành tích và đóng góp xuất sắc cho học thuật, họ cũng có kinh nghiệm giảng dạy, là chuyên gia đầu ngành, có uy tín cao trong nghề nghiệp thì có được tham gia đào tạo và hướng dẫn NCS không?
Lịch sử vấn đề TS, PGS, GS của Việt Nam đang để lại một số PGS, GS không là TS và những TS lâu năm không là PGS, GS song lại có uy tín trong xã hội, trong lĩnh vực khoa học nào đó. Nhiều người biết PGS Sử học Lê Văn Lan, ông không phải là TS, nhưng có kiến thức uyên thâm và là một trong những chuyên gia đầu ngành về Sử học. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần quy định cụ thể để đảm bảo những người tham gia đào tạo TS phải đáp ứng về năng lực, trình độ, uy tín nghề nghiệp...
- Hình như, bà đang nói đến vấn đề “định lượng” và “định tính” cần có trong quy định về trình độ, năng lực và yêu cầu đối với những người tham gia đào tạo TS?
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Đúng vậy! Theo tôi, ở đây tất cả những quy định, những yêu cầu (về người tham gia đào tạo TS) về năng lực, phẩm chất mang tính “định tính” đều phải quy ra “định lượng”. “Định tính” ở đây là gì? Nói “anh” có uy tín, “anh” có năng lực... đó là “định tính”. Nhưng uy tín đó của anh phải được thể hiện cụ thể như thế nào, đo bằng gì? Thể hiện ở việc “anh” có bao nhiêu bài báo khoa học quốc tế, “anh” có bao nhiêu công trình khoa học được công nhận, tham gia giảng dạy bao nhiêu năm? Còn nếu chỉ quy định chung chung, chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong thực tế.
Xin cảm ơn trao đổi của bà!
Theo GDTĐ