• :
  • :

Dạy con ăn nói thế nào cho đẹp lòng người đối diện?

Dạy con ăn nói thế nào cho đẹp lòng người đối diện là điều mà ai cũng lo lắng, trăn trở. Nhưng dạy con thế nào là điều không đơn giản. Có lẽ cha mẹ nên đặt mình ở vị trí của đứa trẻ thì việc dạy dỗ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nó thể hiện ở mấy điều nhỏ dưới đây... 

Làm gương

 

Trong việc ăn nói, không có gì ảnh hưởng đến bọn trẻ bằng chính cha mẹ của chúng. Một gia đình cha mẹ chẳng bao giờ nói bậy cả thì tỷ lệ trẻ nói bậy là rất thấp. Một gia đình bố mẹ hở ra là chửi thề thì con theo đó học hỏi cũng không có gì là lạ.

 

Họa phúc tại miệng, nhiều khi chỉ một câu nói tục văng ra không hợp cảnh cũng có thể là nguyên nhân của một sự cố vô cùng đáng tiếc. Vì thế, các bậc cha mẹ hãy xem xét và cố gắng trong sạch hóa hệ thống ngôn ngữ của riêng mình để làm một tấm gương sáng cho con.

 

Hạn chế nhắc nhở trẻ chào hỏi hay nói năng lịch sự

 

Nhiều bậc phụ huynh hay kêu ca rằng họ đã nhắc con rất nhiều lần là khi gặp người lớn phải chào hỏi, thế nhưng bé mãi vẫn cứ quên. Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng nguyên nhân của việc con không chào hỏi chính là vì cha mẹ nhắc con quá nhiều.

 

Tại sao nhắc con chào thì bé lại không chào? Lý do đơn giản vì khi cha mẹ nhắc, ban đầu con sẽ ỷ lại vào lời nhắc đó rồi mới chào. Sau thì con cảm thấy khó chịu vì lời nhắc khiến con cảm giác như mình thật tồi tệ, bất lịch sự. Cảm giác đó tăng đến mức con sẽ trở nên cùn và cuối cùng cương quyết không chào vì nghĩ: "Bố mẹ đã cho rằng mình tệ thì mình tệ luôn cho mà xem".

 

Đó là chưa kể nhiều bố mẹ nhắc con chào nhưng bản thân lại không có thói quen chào hỏi thì con không có thói quen này cũng là hợp lý.

 

Gia đình - Dạy con ăn nói thế nào cho đẹp lòng người đối diện?

Mọi thứ cha mẹ làm đều tác động đến con rất nhiều. (Ảnh minh họa).

 

Lễ phép với con

 

Điều này nghe có vẻ vô lý, nhưng không, nó chẳng vô lý chút nào đâu. Con cũng là con người, nếu cha mẹ tôn trọng con thì con mới tự tôn trọng bản thân được. Việc cha mẹ lễ phép với con vừa là tấm gương cho con học hỏi vừa thể hiện sự tôn trọng con. Chính việc này giúp con có thói quen tốt hơn là suốt ngày nghe lời nhắc nhở mắng mỏ.

 

Giữ công bằng trong tranh luận

 

Khi cha mẹ tranh luận với con cái, có không ít các cặp bố mẹ to miệng lấn lướt quát con khi mình đuối lý. Với cách dạy thế này, một là hòa khí trong gia đình sẽ mất, con cái thiếu lòng tin và xa lánh bố mẹ, hai là con sẽ tìm cách sống hai mặt, nói dối để đẹp lòng bố mẹ. Việc này cha mẹ cần hiểu rõ và tránh xa. 

 

Bọn trẻ rất công bằng, chúng cũng hiểu thừa nhận mình sai là điều rất khó. Vì thế, cha mẹ đã dũng cảm thừa nhận rồi thì cha mẹ rất giỏi và chúng sẽ yêu thương, tôn kính cha mẹ mình hơn nhiều.

 

Không vọng ngôn (nói dối) hoặc ba phải trước mặt con

 

Điều con nhận ra rất nhanh sẽ là: Trước mặt người kia thì mẹ nói một đằng, trước mặt người này thì mẹ kêu một nẻo. Chúng có thể cũng nhận ra những lần cha mẹ nói dối không chớp mắt. Tấm gương tày liếp ở gần ngay cạnh, thế nên nếu sau này con làm như vậy thì cha mẹ ngay lập tức phải tự vấn bản thân xem mình đã nói dối bao nhiêu lần rồi.

 

Không xảo ngôn khi cư xử với người khác

 

Với những người xung quanh, nếu cha mẹ luôn là tâm điểm gây hiềm khích đến người khác thì con sẽ hoặc chán ghét cha mẹ mình, hoặc học theo và cũng trở thành một người hay nói khích bác, mong người khác gặp chuyện không hay.

 

Lời lẽ của cha mẹ chính là bài học mà con học hàng ngày, nó đập vào tai con mọi lúc mọi nơi. Nó tác động đến con nhiều nhất khi con không phải là đối tượng trong câu chuyện. Vì thế, để dạy con tốt, cha mẹ cần thận trọng trong những câu nói, giao tiếp, trao đổi của mình với mọi người xung quanh.

 

Dạy con là một quá trình khó khăn kéo dài. Mọi thứ cha mẹ làm đều tác động đến con rất nhiều. Để con trưởng thành và có nhân cách tốt, chẳng có gì quan trọng hơn bằng chính cha mẹ. 

 

Theo T.S Vũ Thu Hương/NĐT

TIN LIÊN QUAN

Nội dung đang cập nhật...