Hãy để con được...nghịch
Hồi nhỏ tôi lêu lổng cả ngày với lũ bạn ở xóm Chùa, phơi nắng để bắt bướm, mò ốc đến lộn cổ xuống hồ, bố mẹ thấy tôi về nhà với dây bèo dính trên vai và tóc, quần áo ướt đẫm. Chỉ chừng đó thôi đủ cho gia đình tôi náo loạn và suy ngẫm về một đứa trẻ kỳ dị.
Tôi lớn lên trong khung cảnh những tủ sách cao quá đầu người, thời ấy không có sách dạy làm giàu như bây giờ, mà toàn là tinh hoa của văn học thế giới. Tôi vừa đọc sách, vừa lao vào khám phá cuộc sống của trẻ con nhà nghèo không bị người lớn giám sát, có thể chơi rông suốt ngày ngoài nắng, có thể trượt chân xuống hồ rồi tự mình ngoi ngóp bò lên bờ trong tiếng reo hò chế giễu của đám bạn.
Tôi là cá thể lạ trong một gia đình trí thức. Từ lớp 7 đến lớp 10 là thời kỳ nổi loạn của tôi, toàn thích chơi với những bạn có tên trong cuốn sổ đầu bài của giáo viên với lời phê không tốt, trong mắt thầy cô tôi là đứa cứng đầu cứng cổ với những câu hỏi mang tính phản biện mà thầy cô cho là chống đối.
Năm lớp 10 vì là học sinh cá biệt nên bị ở lại lớp, đó là một cú sốc đối với ba mẹ tôi, bây giờ các bạn học cũ vẫn còn nhắc, nhưng giờ nghĩ lại tôi vẫn cảm ơn cú sốc ấy. Chẳng có sự trưởng thành nào mà không phải trả học phí, không sớm thì muộn.
"Mong muốn được trở nên tốt đẹp là một trong những điều đáng yêu nhất trên thế giới, nhưng để có một cuộc sống thực sự tốt, đôi khi chúng ta có thể cần phải xấu xa một cách thật thà và dũng cảm", đó là điều tôi nghĩ đến khi đọc những cuốn sách như Tự nảy mầm, tự vươn lên của Ohmae Kenichi.
Và cám ơn bố mẹ đã kiên nhẫn chịu đựng để tôi có một tuổi thơ "phản kháng", không đi học đàn hay vẽ tranh ở các câu lạc bộ năng khiếu, bởi vì ông bà thấy tôi ham mê đọc sách. Cá tính, cá biệt là điều được tôn trọng! Tôi ở lại lớp vì hạnh kiểm không tốt do một hành động bốc đồng tuổi mới lớn, gia đình chỉ buồn, phân tích cho tôi suy nghĩ về những vấn đề có khả năng phải trả giá đắt với tính khí cá biệt.
Sau này khi có con, tôi hay suy nghĩ về những đứa trẻ cá biệt và trẻ ngoan. Tôi so sánh chúng với nhau, với tuổi thơ của chính mình để có thể làm một người mẹ thích hợp. Mốt của các bà mẹ hiện nay là đọc sách dạy con tự tin, cố gắng vươn lên trong môi trường cạnh tranh khốc liệt để thành công. Lấy những đứa trẻ sống có nề nếp, có thành tích học tập tốt làm tấm gương hướng đến tương lai thành đạt.
Vậy mặt yếu kém của những đứa trẻ "ngon lành" với học bạ đẹp là gì? Bạn có tin ẩn chứa bên trong một nề nếp khuôn mẫu là những tâm hồn phẳng lặng, hạnh phúc? Bạn có tin cá tính được nền giáo dục tẻ nhạt và rập khuôn nhào nặn nên sẽ đưa tất cả về quỹ đạo thành công và đặc biệt là hạnh phúc?
Một đứa trẻ đóng vai trẻ ngoan quá lâu sẽ bùng nổ theo cách nào là tốt và có lợi cho xã hội? Những người mẹ mong muốn trở thành mẹ tốt vẫn đang trải nghiệm, đọc sách và thực hành giúp con tự nảy mầm, tự vươn lên.
Và bạn phải biết, nhà nghiên cứu Ohmae Kenichi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu vấn đề của "những đứa trẻ ngoan". Ông cảnh báo chúng cũng đang ôm giữ những vấn đề trong quan hệ gia đình, xã hội, tâm sinh lý như bất cứ đứa trẻ "cá biệt" nào. Vì áp lực nề nếp, ngoan ngoãn, thành tích, sẽ có những ca nổi loạn, thiếu kiểm soát bùng nổ, thậm chí tâm thần vì bị ức chế.
Những bà mẹ đang đọc sách dạy con cách tồn tại trong môi trường cạnh tranh, những bà mẹ đang đau khổ, lo nghĩ về đứa con ngỗ nghịch, những bà mẹ đang tự hào khoe bảng điểm và nghĩ cách thưởng cho con khi niên học kết thúc, tất cả đều là những bà mẹ tốt.
Tôi cũng là người mẹ tốt dù đã lớn lên trong hình ảnh đứa trẻ cá biệt, nhưng gia đình tôi đã uốn nắn cá biệt ấy thành thế mạnh cá tính sáng tạo, nó giúp tôi thành công và hạnh phúc. Khi nhìn thấy những biểu hiện cá biệt ở con mình, tôi không lo sợ, nhưng giúp con là một hành trình gian nan mà chúng ta phải kiên nhẫn theo đuổi nếu muốn làm cha mẹ tốt.
Theo DNSG