• :
  • :

Khám phá phong tục đón Tết cổ truyền của các quốc gia châu Á

Năm hết Tết đến, với mỗi một quốc gia trên thế giới lại có những phong tục đón Tết cổ truyền khác nhau, đối với những quốc gia Châu Âu thì năm mới được tính theo dương lịch, nhưng với các quốc gia Châu Á thì lại khác, họ đón năm mới theo âm lịch hoặc theo lịch cổ truyền riêng theo truyền thông của mình.

Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết âm lịch, Tết cổ truyền là một dịp lễ quan trọng nhất trong năm đối với người Việt Nam nói riêng và của một số quốc qua Châu Á nói chung theo lịch Mặt trăng. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ và thưởng thức những món ngon truyền thống.

Phong tục đón Tết cổ truyền ở châu Á mang đậm bản sắc dân tộc của từng quốc gia.

Các dân tộc tại Châu Á đều có những cách đón Tết độc đáo của riêng mình. Hãy cùng khám phá những phong tục diễn ra trong những ngày tết ở các nước Châu Á, để phần nào hiểu thêm về con người, văn hoá và lối sống ở những nơi ta sẽ ghé qua.

Ấn Độ

Tết ở Ấn Độ kéo dài trong 5 ngày, bắt đầu từ 31/10, ngày thứ tư được coi là ngày đầu tiên của năm mới. Vào dịp Tết, không ai được phép giận dỗi và nổi cáu.

Ở một số vùng ở Ấn Độ, buổi sáng đầu tiên của năm mới ai cũng nước mắt lưng tròng để đón mừng năm mới. Một số nơi khác thì lại có tục nhịn ăn một ngày, một đêm.

Buổi sáng đầu tiên của năm mới mọi người sau khi chúc tụng nhau, họ cùng dùng một chiếc túi nhỏ đựng phấn hồng xoa lên trán người đối diện chúc cho mọi sự may mắn như ý.

Thanh niên thì đổ mực đỏ vào súng phun nước và phun vào bạn bè, người thân. Mọi người trang hoàng các cửa sổ và cửa lớn bằng những bóng đèn nhỏ xinh, trước ngưỡng cửa mỗi nhà trên phố, người ngoài có thể trông thấy các hình vẽ màu sắc khác nhau. Đó là dấu hiệu tượng trưng cho lòng hiếu khách.

Để đón năm mới, người ta thức dậy lúc 4 - 5h sáng. Những bóng đèn trang trí được bật lên, mọi người ăn mặc diện và theo tục lệ cũ, họ đi tới thăm nhà những người lớn tuổi để cầu phước lành, sự yên bình trong tâm hồn, cũng như sức khỏe.

Trong ngày đầu tiên của năm mới, người ta nhớ lại quá khứ, nói những lời chúc tốt lành cho tương lai. Vào những ngày này, người ta cầu xin vị thần của sự giàu sang và hy vọng cho họ tài lộc dồi dào hơn trong năm mới.

Họ đeo những vòng hoa quanh cổ và tay trong những buổi lễ. Mỗi loại hoa tượng trưng cho một màu quan trọng trong tôn giáo. Màu hồng, màu đỏ và màu tím là tượng trưng cho thánh thần của người theo đạo Hindu còn màu vàng tượng trưng cho Chúa Trời.

Nhật Bản

Ở Nhật Bản, năm mới gọi là Oshogatsu. Trong năm mới, người ta thường treo một vòng làm bằng rơm khô trước cửa nhà vì đó là biểu tượng của niềm vui và sự may mắn.

Cũng như tập tục cũ ở một số nước vùng Á châu, người Nhật cho rằng vào dịp Tết, thần linh cũng như những linh hồn người thân có thể về thăm, cho nên nhà cửa được dọn dẹp thật sạch sẽ và đẹp.

Trước cửa mọi nhà đều có các cành thông và tre bện vào nhau tượng trưng cho sự trung thành và trường thọ, đôi khi còn có thêm cành mận.

Người Nhật chuẩn bị Tết từ trước đó khá lâu. Họ có thú vui mua sắm Tết và tặng quà nhau. Hàng được mua sắm nhiều nhất là kimono. Vào những ngày này, khắp nơi vang lên tiếng chày giã bột gạo làm bánh. Bánh Tết đặc trưng là bánh bột gạo mochi.

Đúng 12h đêm giao thừa, trong các trường vang lên 108 tiếng chuông. Tiếng chuông còn được truyền qua radio. Nhiều người Nhật đổ tới các chùa để làm lễ đầu năm, mua bùa hộ mệnh.

Theo truyền thống, trong những ngày đầu năm, các cô gái được sai ra đồng bứt hái nhiều loại cây cỏ (không độc) khác nhau. Tới ngày mồng bảy Tết, chủ nhà đem nấu những lá “lộc xuân” đó với gạo thành món ăn đặc biệt dùng để ăn sáng.

Trung Quốc

Tết cổ truyền ở Trung Quốc là ngày lễ quan trọng nhất trong năm.

Mỗi dịp năm hết Tết đến người dân Trung Quốc thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành.

Hàn Quốc

Ngày lễ lớn nhất trong năm của Hàn Quốc chính là Tết Âm lịch, hay còn gọi là Seollal - ngày xua đuổi các linh hồn xấu xa, những điều xui xẻo và chào đón những điều tốt lành. Khi năm cũ qua đi và năm mới tới, mọi người trong gia đình quây quần bên nhau và thực hiện những nghi lễ truyền thống.

Nghi lễ đầu tiên, gọi là Charye, sẽ diễn ra tại nơi thờ cúng của gia đình. Các thành viên sẽ bái lạy trước bàn thờ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên. Tiếp đến là nghi lễ Sebae. Lớp trẻ sẽ tới bái lạy, chúc thọ những người lớn tuổi trong gia đình và nhận tiền mừng tuổi, gọi là Sebaedon.

Đặc biệt, sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến văn hóa ẩm thực. Đồ ăn để cúng được các gia đình chuẩn bị từ trước Tết và phải được hoàn tất vào đêm giao thừa. Mâm cỗ cúng lên đến hơn 20 món, trong đó nhất thiết phải có ttok-kuk - một loại phở nước được chế từ bò hay gà, và món canh bánh gạo.

Trong 3 ngày Tết, người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống Hanbok, tổ chức nhiều hoạt động chào mừng như nhảy múa, ca hát và chơi các trò chơi dân gian.

Mông Cổ

Tết âm lịch của người Mông Cổ có tên Tsagaan Sar, hoặc tết Tháng Trắng, ngày lễ này mang ý nghĩa kết thúc mùa đông dài lạnh lẽo, khởi đầu năm mới, cũng là thời điểm trồng trọt chăn nuôi.

Nếu có cơ hội đón tết cùng các gia đình ở Mông Cổ, du khách sẽ được trải nghiệm những nét văn hóa khác biệt, mới lạ của dân du mục. Chẳng hạn khi tới thăm họ hàng, người khách phải làm lễ Zolgokh. Từng người cầm khăn Khadag đặt trên tay gia chủ. Sau đó, gia chủ hôn hai bên má người khách, tặng khoản tiền nhỏ và mời uống ba lần rượu. Khi chuẩn bị về, khách tặng gia chủ một món quà.

Món ăn truyền thống ngày tết Mông Cổ là bánh nhân thịt cừu, còn gọi là buuz. Đặc biệt, các gia đình Mông Cổ luôn để sẵn đồ ăn trong nhà. Dù chủ nhà vắng mặt, khách đi đường vẫn có thể dùng bữa, sau đó để lại tiền cảm ơn hoặc dấu hiệu cho gia đình.

Tới Mông Cổ dịp Tết Nguyên đán, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng hoặc trực tiếp tham gia các cuộc thi đua ngựa, bắn cung - hoạt động nổi bật tại quốc gia này.

Campuchia

Người Campuchia lấy ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để tính niên đại, vì vậy từ ngày 14 đến ngày 16/4 năm dương lịch là thời gian diễn ra Tết đón năm mới (Tết Choi Chơnăm Thmay - hay Tết Núi Cát).

Trong dịp này, các đền chùa thường treo cờ ngũ sắc và cờ trắng hình cá sấu của đạo Phật. Trước khi đón năm mới, mọi nhà đều dựng bàn thờ để đón ông bà tổ tiên, trên bàn thờ thường thắp 5 nén nhang, 5 đèn cầy.

Đồng thời, các gia đình đều làm 5 núi cát, có nơi người ta không đắp bằng cát mà đắp bằng trái cây, các loại bánh hoặc những bó lúa...

Ngày đầu năm mới, mọi người trong nhà đều ngồi xếp chân một phía trước bàn thờ, chắp tay vái cầu nguyện để xin tận hưởng phước lộc.

Sau đó họ chọn những bộ quần áo tươi tắn để đến chùa dự lễ, nghe sư đọc kinh cầu nguyện, tưới nước thơm vào tượng Phật, dâng các loại bánh ngon lên ông bà cha mẹ, để chúc thọ và báo hiếu.

TIN LIÊN QUAN