• :
  • :

Nhà hát Kịch Việt Nam nỗ lực vượt khó, nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật

Những năm gần đây, Nhà hát Kịch Việt Nam đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật, được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận và đánh giá cao, coi Nhà hát Kịch Việt Nam là một điển hình của sự nỗ lực vượt khó, vươn lên trong các đơn vị nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ.

Nhà hát Kịch Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập vào tháng 12 năm 1952 tại chiến khu Việt Bắc. Sau hơn 70 năm thành lập và phát triển, Nhà hát Kịch Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa nghệ thuật Kịch nói, vị trí của một đơn vị từng được mệnh danh là “Cánh chim đầu đàn” của sân khấu Cách mạng Việt Nam và được khán giả yêu mến gọi là “Anh cả đỏ” của sân khấu kịch nói Việt Nam. Các chương trình, vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam đã từng được đánh giá như một cuốn “Biên niên sử” bằng kịch nói.

 Vở “Người đi dép cao su” vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn đã xây dựng thành công hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới góc nhìn của một tác giả người nước ngoài, mang lại nhiều cảm xúc.

Các vở diễn đã bắt kịp và phản ánh sinh động hơi thở cuộc sống nhưng vẫn lồng ghép tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối nghệ thuật của Đảng và Nhà nước; qua đó, góp phần định hướng thẩm mỹ cho người xem, tiêu biểu là các vở diễn: Bão tố Trường Sơn (Huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc – 2018), Điều còn lại (Huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc – 2021), Người tốt nhà số 5 (Giải Vàng tại Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020) và các vở diễn tiêu biếu khác như: Như thế là tội ác, Yêu, Nhân thế, Người trong cõi nhớ, v.v...

Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, mọi hoạt động bị gián đoạn, công tác tổ chức biểu diễn gặp khó khăn, nhiều buổi diễn phải hủy bỏ. Tuy nhiên, bằng sự lao động sáng tạo, không ngừng đổi mới, Nhà hát Kịch Việt Nam đã dàn dựng nên nhiều chương trình, vở diễn hay, giá trị, mang phong cách biểu diễn hiện đại, đa dạng về chủ đề và có ý nghĩa sâu sắc về nội dung.

Bên cạnh việc phản ánh đời sống xã hội và khai thác tốt giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, Nhà hát đã tích cực tìm tòi, sáng tạo, dàn dựng thành công rất nhiều tác phẩm kinh điển, cổ điển, văn học tiêu biểu của thế giới theo phong cách và màu sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, như: Ham let, Romeo & Juliet (Anh), Lão hà tiện (Pháp); Hồng lâu mộng, Hàng xóm chung cư (Trung Quốc); Sự sống (Nhật Bản), v.v...  

Ngoài các vở diễn chính kịch, Nhà hát còn xây dựng và biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ công tác chính trị, các ngày lễ lớn, phục vụ thiếu nhi, phục vụ nhiệm vụ đối ngoại, như: Chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh”, có: Chùm 3 kịch ngắn về Bác Hồ: Đôi mắt sáng, Đoàn kết là sức mạnh và Bác Hồ và mùa xuân năm ấy. Chủ đề “Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”, có vở: Dư chấn, Đêm trắng. Chủ đề về An toàn giao thông, tuyên truyền thông điệp “Đã uống rượu thì không lái xe” có vở: Như thế là tội ác. Đề tài thiếu nhi có các vở: Ăn quả trả vàng, Anh hùng Sờn-Zách, Húc-Cuộc chiến thuyền trưởng, v.v…Các vở diễn đã góp phần làm lành mạnh đời sống sân khấu Kịch nói, tạo nên hiệu ứng sâu sắc trong xã hội, được khán giả đón nhận nhiệt tình. Nhiều vở diễn đạt kết quả cao tại các Cuộc thi, Hội diễn, Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp; một số vở diễn còn được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn biểu diễn phục vụ Hội nghị của Nhà nước và của Bộ, như: Bệnh sĩ, Đêm trắng.

 “Hành trình Xuân biên giới 2023” đưa kịch nói đến với đồng bào, chiến sĩ vùng biên cương.

Bên cạnh việc không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng dàn dựng vở mới, Nhà hát Kịch Việt Nam còn đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường đầu tư nâng cao trình độ, năng lực cho diễn viên; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khán giả. Đồng thời, vận dụng ưu thế về đặc điểm của nghệ thuật Kịch nói để tạo dựng những nhịp cầu tốt đẹp trong quan hệ ngoại giao; triển khai mạnh mẽ mặt trận đối ngoại; thường xuyên phối hợp, liên kết với các Đại sứ quán, các tổ chức và Quỹ văn hoá nước ngoài tại Việt Nam và quốc tế để tổ chức các chương trình hợp tác, giao lưu biểu diễn Kịch nói, giúp các nghệ sĩ có cơ hội học tập cũng như tiếp thu tinh hoa nghệ thuật thế giới, đồng thời giới thiệu, quảng bá rộng rãi giá trị văn hoá nghệ thuật Kịch nói Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà hát Kịch Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý và xứng đáng được tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng Ba cho những thành tích xuất sắc trong thời gian qua./.

CTV

Lượt xem: 12
TIN LIÊN QUAN

Nội dung đang cập nhật...