Những điều gì xảy ra khi cơ thể vào mùa đông?
Cơ bắp cứng lại: Nhiệt độ thấp làm các khớp, cơ bắp mất nhiệt nhanh hơn, khiến chúng kém đàn hồi, co thắt và căng cứng, đặc biệt khi bạn thường lười vận động hơn trong mùa đông. Vì vậy, mọi việc đơn giản như chui ra khỏi chăn, đánh răng, rửa mặt... đều trở nên khó khăn hơn.
Bạn dễ bị đau đầu: Mùa đông đến có nghĩa là bạn ít nhận được ánh nắng mặt trời cần thiết để giúp cơ thể hấp thụ vitamin D. Đối với những người dễ bị đau nửa đầu, lượng vitamin D thấp có thể là nguyên nhân. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết khô của mùa đông dẫn đến mất nước cũng làm tăng nguy cơ đau nửa đầu. Một vấn đề khác nữa là sự thay đổi đáng kể về nhiệt độ khi bạn đi ra ngoài hoặc đi từ ngoài vào trong nhà.
Cơ thể thiếu nước: Mọi người thường nhớ uống nhiều nước vào mùa hè, nhưng điều đó cũng không kém phần quan trọng, thậm chí quan trọng hơn trong những tháng mùa đông. Tuy nhiên, thông thường, vì không cảm thấy khát, nhiều người không bù nước đúng cách. Vì thế, trong những tháng mùa đông, các trường hợp mất nước tăng cao vì phản ứng khát giảm đi, mồ hôi cũng bốc hơi nhanh hơn khiến chúng ta nghĩ rằng đó không phải là mất nước hoặc khát.
Bạn có thể đốt cháy nhiều calo: Bạn đã từng nghe nói tập thể dục ngoài trời lạnh có thể đốt cháy calo. Điều đó rất đúng vì cơ thể phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt độ cơ thể. Và khi đó, sự trao đổi chất cũng tăng lên, mang lại nhiều lợi ích cho bạn.
Tích tụ mỡ tốt hơn: Tất cả con người đều có nhiều chất béo trắng, loại mỡ sần sùi trông rất xấu xí. Nhưng có một loại khác là chất béo nâu, hoạt động mạnh mẽ hơn. Nó đốt cháy calo và giúp bạn giữ ấm khi trời lạnh. Vì vậy, mức độ chất béo nâu có thể tăng vào mùa đông, có lẽ là một tính năng tích hợp giúp giữ ấm cho cơ thể. Bạn có thể làm tăng chất béo nâu bằng cách tập thể dục ở nhiệt độ lạnh hơn. Ngoài ra, ngủ ngon và tránh tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm cũng giúp cơ thể sản xuất nhiều loại chất béo này. Một mẹo khác là bạn có thể ăn táo cả vỏ vì axit ursolic trong vỏ táo làm tăng chất béo nâu.
Lượng đường huyết cao hơn: Các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nên đặc biệt cẩn thận khi phải đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nhiệt độ rất cao hoặc lạnh. Vì chúng có thể kích thích cơ thể giải phóng các hormone gây căng thẳng như cortisol, dẫn đến tăng khả năng kháng insulin. Bệnh nhân tiểu đường nên thích nghi dần với điều kiện thời tiết lạnh và ấm từ từ, tránh tiếp xúc kéo dài với điều kiện khắc nghiệt và nên kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên để đảm bảo sức khỏe.
Răng bị đau: Nếu có hàm răng nhạy cảm, bạn sẽ cảm nhận được cơn đau xuyên thấu khi uống đồ lạnh. Bởi vậy, không khí lạnh mùa đông có thể kích hoạt độ nhạy cảm của hàm răng, đặc biệt là nếu bạn có các vấn đề như viêm chân răng, các vấn đề về nướu..
Lưỡi phải làm việc quá mức: Theo Reader's Digest, liếm môi quá nhiều là thói quen bản năng bắt đầu khi nhiệt độ trở nên lạnh khiến môi bị khô. Nhưng điều đó lại không giúp môi ẩm. Đầu tiên, nước bọt sẽ bị khô nhanh, buộc bạn phải tiếp tục liếm. Ngoài ra, nước bọt chứa các enzyme không thể bay hơi và bám vào da, những loại enzyme này có thể gây hại cho đôi môi nhạy cảm của bạn. Thậm chí, việc liếm môi còn tăng nguy cơ bị viêm nhiễm