Văn hóa ứng xử trường học: Bộ quy tắc nên dễ nhớ, dễ thực hiện
Dự thảo Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” đánh giá thực trạng văn hóa ứng xử trong trường học hiện nay của học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên; thực trạng công tác xây dựng văn hóa ứng xử trong cơ sở giáo dục, chỉ ra các nguyên nhân khách quan, chủ quan, những hạn chế tồn tại. Từ đó đưa ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.
Đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học; Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên; Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho người học của đội ngũ nhà giáo; Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.
Ứng xử văn hóa trong trường học hiện trở thành vấn đề “nóng” với đòi hỏi về một bộ quy tắc riêng với những từ khóa dễ nhớ, dễ hiểu. ẢNH: P.T
Đề án đưa ra các chủ thể tổ chức thực hiện: Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cùng đó đề nghị với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp phối hợp thực hiện đề án.
Đây được xem là Đề án quan trọng cần làm ngay, nhất là thời gian gần đây, những vấn đề về quy tắc ứng xử trường học đang trở nên quá “nóng”, Bộ GD&ĐT, Cục Nhà giáo liên tục phải có ý kiến về việc thầy giáo ở Nghệ An bị hành hung, cô giáo bị phụ huynh đánh ở Hải Phòng, cô giáo bị cha mẹ học sinh bắt quỳ ở Long An… Từ những vụ việc không mong muốn trên, Bộ GD&ĐT một mặt yêu cầu tăng cường an toàn trường học, một mặt yêu cầu tăng cường văn hóa ứng xử, quy tắc ứng xử trong nhà trường.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội - nêu ý kiến: Về nhiệm vụ, giải pháp, vấn đề tổ chức xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, các nơi đều đang làm bộ quy tắc này, ngành giáo dục cần tập trung nguồn lực, cách làm thiết thực để cho ra một bộ quy tắc chung thấu đáo, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng chủ thể trong nhà trường tham gia. Đây là việc làm có tính chất cách mạng, có sự thay đổi. Tôi mong muốn Hội Khoa học tâm lý giáo dục được tham gia việc xây dựng này.
TS Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội - bày tỏ: Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học phải căn cứ vào giá trị cốt lõi, dựa vào bộ quy tắc ứng xử để triển khai, nếu không có sẽ dễ trở thành phong trào. Cần đầu tư tập trung thực sự để xây dựng bộ quy tắc ứng xử, trong đó phải giải quyết hài hòa việc không chỉ là Bộ GD&ĐT làm hoặc giao các trường làm.
PGS Nguyễn Toàn Thắng – Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – cho rằng, cần cụ thể hơn về sản phẩm của Đề án, người thực hiện. Phải có một bộ quy tắc ứng xử chung của ngành giáo dục giống như ngành y, ngành CA. Bộ quy tắc này cần ngắn gọn, có những từ khóa.
PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ - Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương góp ý: giữa quan điểm chỉ đạo với mục tiêu cần rõ ràng hơn. Đặc biệt, Bộ nên xây dựng quy tắc ứng xử chung, như có chương trình giáo dục tổng thể, nhưng các trường có chương trình nhà trường. Cần nhấn mạnh vai trò, giải pháp trong các trường đào tạo sư phạm giáo viên. Nên bổ sung hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm vào việc triển khai Đề án này.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá tất cả các góp ý của đại biểu rất sâu sắc, tâm huyết, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo Đề án tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện nội dung Đề án tốt hơn, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo PL&XH