• :
  • :

Bài học nuôi dưỡng một doanh nhân tương lai

“Việc bạn có bao nhiêu số 0 trong tài khoản ngân hàng hiện tại không quan trọng. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, kết quả sau cùng mà bạn muốn con mình đạt được là gì và bạn có thể làm được gì để dạy cho chúng biết về điều đó”.

Hơn cả một chuyên môn, một nghề nghiệp, tinh thần doanh nhân là một thái độ, một cách tư duy mà nhờ nó, nhiều kỹ năng sống khác sẽ được mài giũa, như: tìm kiếm những cách tốt hơn để giải quyết một vấn đề, hiểu mối tương quan giữa rủi ro và thành công, nhìn nhận nhiều vấn đề như cơ hội để phát triển. Dưới đây là những điều cần ghi nhớ để vun đắp tinh thần doanh nhân cho trẻ con:

 

 

Đừng để con sợ thất bại

Thất bại là một phần của cuộc sống, và cũng là một phần của… thành công. Khó thể tìm ra những doanh nhân thành công mà chưa từng thất bại.

Ở “quốc gia khởi nghiệp” Israel, thất bại không những được chấp nhận mà còn được… tán dương. Avishai Sharon – CEO Hãng phân tích tiếp thị nội dung TrenDemon cho biết, sự chấp nhận thất bại trong văn hóa Israel đã khuyến khích người Israel dám nghĩ đến những vấn đề lớn.

Thất bại đối với trẻ con không cần thiết phải là những điều gì đó quá to tát, mà hoàn toàn có thể là những việc vô cùng đơn giản. Ví dụ, nếu con quên đem theo bài tập về nhà, cha mẹ sẽ không mang nó đến trường cho chúng. Nếu đứa trẻ quên đôi giày thể thao, cha mẹ cũng sẽ không mang nó đến sân bóng giúp, dù rằng đội bóng của con có thể phải bị xử thua vì chuyện này.

“Nếu cứ mãi ở trong vùng an toàn, bạn sẽ không bao giờ thực hiện được những bước đột phá”, Sharon nói.

 

Khuyến khích chúng đặt câu hỏi

Nếu không có những câu hỏi “Tại sao?”, “Tại sao không?”, rất nhiều những phát minh, những bước đột phá trong lĩnh vực công nghệ có thể không bao giờ được hiện thực hóa.

Trẻ em vốn rất tò mò và kiên trì. Hãy khai thác phẩm chất này bằng cách lắng nghe chúng và cố gắng đưa ra càng nhiều giải đáp càng tốt. Đừng băn khoăn trong trường hợp bạn không biết đáp án, hãy đề nghị “hợp tác” cùng chúng để tìm ra câu trả lời.

 

Đừng khen chúng hoàn hảo

Tác giả, diễn giả Tony Robbins khuyên các bậc cha mẹ - những người liên tục nói với con cái rằng chúng thông minh, hoàn hảo, độc nhất vô nhị… rằng, khi làm như vậy, họ đang đặt một áp lực lên chúng.

“Ban đầu có thể chúng sẽ hạnh phúc vì điều đó, chúng cảm thấy mình đặc biệt. Nhưng khi ra ngoài cuộc sống thực, mọi người không nghĩ như vậy, hoặc thấy những người vượt trội hơn mình, chúng sẽ cảm thấy khó chịu”, ông nói.

Robbins gợi ý, thay vào đó, cha mẹ hãy dạy trẻ con tập trung vào sự tiến bộ của bản thân. Nhờ đó, trong suốt quá trình trưởng thành, chúng sẽ biết cách đánh giá cao sự kiên trì, nỗ lực và lao động chăm chỉ.

 

Dạy con giá trị của tiền bạc

 

Nhiều phụ huynh có xu hướng cung cấp cho con cái mọi nhu cầu, chứ không muốn cho chúng thấy giá trị của việc lao động chăm chỉ và tự kiếm tiền bằng năng lực của mình. Hãy tạo điều kiện để trẻ em tự lập bằng cách tận dụng sở trường của riêng chúng, chẳng hạn như làm bánh hoặc vẽ tranh.

Thông qua quá trình làm việc, những đứa trẻ sẽ hiểu được việc kiếm tiền khó như thế nào, mặc dù gia đình giàu có của chúng không thực sự bận tâm đến số tiền đó. Và, bằng cách cho con cơ hội được làm việc, chúng sẽ hiểu được giá trị của sức lao động là như thế nào. Bà Spalthoff nói: “Nếu chúng ta không cho con cơ hội được làm việc từ lúc bé, thì đến khi chúng tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm thực sự, chúng sẽ chẳng có bất kỳ hành trang hay một sự chuẩn bị nào cho thời điểm đó cả”.

 

Trau dồi cho chúng thói quen đọc

Những người thành công nhất thường là những người “nghiện” đọc, vì vậy, đây là thói quen cần trau dồi cho trẻ để giúp chúng thành công trong tương lai.

Rohan Pasari – nhà sáng lập startup edtech Cialfo (Singapore) thích đọc sách vào cuối tuần và trong suốt các chuyến bay, đồng thời theo dõi các tin tức công nghệ khoảng 30 – 40 phút mỗi ngày. Nix Nolledo – nhà đồng sáng lập “gã khổng lồ công nghệ” Xurpas ở Philippines – dành 1 giờ/ngày cho việc đọc. Còn Paul Rivera - nhà đồng sáng lập, CEO nền tảng tuyển dụng Kalibrr đọc tin tức và sách phi hư cấu vào mỗi buổi sáng.

 

Dạy con chia sẻ với cộng đồng

Dù nhiều người thuộc giới siêu giàu sở hữu lối sống vô cùng tằn tiện, song họ lại khá thoải mái trong việc chia sẻ tài sản của mình với cộng đồng. Các gia đình siêu giàu thường dạy cho con cái họ thói quen chia sẻ với cộng đồng bằng cách biến những công việc từ thiện trở thành một hoạt động trong gia đình, bà Schleif nói.

Lượt xem: 315
Nguồn:hawking.edu.vn Sao chép liên kết
TIN LIÊN QUAN