“Ở Tân Hiệp Phát, chúng tôi nỗ lực làm những điều không thể thành có thể”
Đó là chia sẻ về văn hoá của doanh nghiệp gia đình và bứt phá thành Tập đoàn giá trị hàng tỷ đô của Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát nhân Trần Uyên Phương, tác giả cuốn sách “Competing With Giants” một trong 5 cuốn sách kinh doanh được đề cử cho Giải thưởng Sách hay nhất của Mỹ năm 2018.
Ở Tân Hiệp Phát, có một văn hoá: Những người ở cấp quản lý đều phải đào tạo, dẫn lối cho cấp dưới của mình. Tân Hiệp Phát coi rằng ngày 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày để bày tỏ lòng biết ơn đối với họ, trong đó có hai người thầy sáng lập Tập đoàn là ông Trần Quý Thanh và bà Trần Thị Nụ.
Nữ doanh nhân cùng gia đình đang đưa Tân Hiệp Phát vươn ra thế giới mạnh mẽ.
Bà Uyên Phương chia sẻ: “Đối với công ty chúng tôi, người lãnh đạo không chỉ dẫn dắt về mặt kiến thức, mà còn thể hiện vai trò truyền cảm hứng cho nhân viên. Bên cạnh đó, chúng tôi hiểu rằng, ở bất kỳ vị trí nào, người lãnh đạo chính là nắp của cái bình. Nếu như họ không tự cải tiến và phát triển mình, thì doanh nghiệp không thể bứt phá và đứng vững”.
Theo nữ doanh nhân, tố chất của một người kinh doanh là dám chấp nhận và mạo hiểm. Một doanh nghiệp càng muốn tạo ra sự đột phá, người thuyền trưởng càng phải sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Điều quan trọng là biết điểm mạnh của mình để nhìn ra cơ hội, nắm bắt và khai thác nó.
Với tôn chỉ “Không gì là không thể” của Tân Hiệp Phát, bà nhấn mạnh “Làm những điều không thể thành có thể” bằng câu chuyện thực tế của chính những người khai sinh ra Tập đoàn.
Năm 2003, Tân Hiệp Phát hoàn toàn là một cái tên lạ lẫm khi bước vào thị trường nước giải khát vỏn vẹn được hai năm. Nhưng ở thời điểm đó, thế hệ lãnh đạo là bố mẹ của bà, đã đưa ra tầm nhìn trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu ngành nước giải khát khu vực Châu Á.
Tuy nhiên, ý tưởng cần có sự đồng lòng và không dễ dàng gì để một “tư tưởng xuyên biên giới” nhận được tán thành cũng như ủng hộ từ những người xung quanh, mà gần gũi nhất là nhân viên của họ.
Vượt qua những nghi ngờ, Tân Hiệp Phát trở thành một doanh nghiệp gia đình có giá trị hàng tỷ USD, bỏ qua lời đề nghị về chung một nhà của “gã khổng lồ” Coca coca, để tiếp tục thực hiện mục tiêu của mình.
Cũng từ câu chuyện đó, bà nhìn nhận: “Nếu như không dám đặt ra mục tiêu rất cao, dù có thể là những điều không tưởng, thì cơ hội để làm được những điều bứt phá càng thu nhỏ”.
Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam vẫn rất còn khiêm tốn. Có tới 90% trong số đó là đơn vị nhỏ và vừa đóng góp 40% vào GDP.
Nhưng, theo như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói, DNNVV Việt Nam cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Vậy yếu tố nội tại nào để doanh nghiệp nhỏ có thể tồn tại và tạo nên sự bứt phá?
Bà Trần Uyên Phương nhận định, có rất nhiều yếu tố khiến doanh nghiệp thất bại nhưng để thành công thì rất mong manh. Và ở Tân Hiệp Phát, có một câu nói rằng: “Học được thất bại của người khác giúp bạn giảm thất bại. Tuy nhiên, chỉ học sự thành công từ người khác mới giúp bạn thành công”.
Theo nữ doanh nhân Trần Uyên Phương - tác giả của cuốn sách “Competing With Giants” một trong 5 cuốn sách kinh doanh được đề cử cho Giải thưởng Sách hay nhất của Mỹ năm 2018 thì điều quan trọng là làm sao để tạo ra sự khác biệt, để khách hàng – những người thật sự bỏ tiền ra tạo nên doanh thu cho công ty, hiểu được lý do họ cần đến doanh nghiệp. Đó là yếu tố tạo nên giá trị bền vững, dù doanh nghiệp còn “chân ướt, chân ráo” hay đã khẳng định được vị thế của mình.
Chính nỗ lực tạo ra sự khác biệt, Tân Hiệp Phát đã tiên phong mở ra ngành hàng nước giải khát có lợi cho sức khỏe với các sản phẩm được hàng triệu người sử dụng mỗi ngày như Trà Thanh nhiệt Dr Thanh, Trà xanh Không độ, Nước tăng lực Number 1. Hiện các sản phẩm của Tân Hiệp Phát đang được xuất khẩu tới gần 20 quốc gia trên thế giới.
Vị Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát chia sẻ: “Khi chúng ta ra quyết định, có thể có mâu thuẫn giữa yếu tố ngắn hạn và yếu tố dài hạn. Nếu như chúng ta hi sinh dài hạn để đánh đổi ngắn hạn, chúng ta sẽ phải trả giá trên con đường phát triển tương lai. Điều quan trọng là cân nhắc cả hai yếu tố này để phục vụ một mục tiêu cuối cùng - phát triển bền vững”.
Ngoài yếu tố đến từ nội lực doanh nghiệp, bà cũng cho rằng khi có những yếu tố ngoại lực công bằng, ổn định thì doanh nghiệp mới có thể lập những chiến lược dài hạn. Với điều kiện chính sách thay đổi liên tục, rất khó để doanh nghiệp có thể vạch ra chiến lược 5 năm hay 10 năm tạo nguồn lực ổn định và tăng trưởng.