Cần triết lý giáo dục nào?
Là một nhà khoa học, nhà giáo, tôi cảm và thấy sự thay đổi này ở ngay mỗi học sinh, sinh viên trong ghế nhà trường. Cách đây chỉ hơn chục năm thôi, ngoài việc học tập, “nghề” làm thêm của sinh viên chủ yếu là “gia sư” – với một mức thu nhập ổn định vài trăm nghìn một tháng. Nay, rất nhiều sinh viên, thậm chí cả học sinh đã khởi nghiệp từ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Và tất nhiên, khi đã “bước chân” vào thương trường, họ có cơ hội gia tăng lợi nhuận, có thể cấp số cộng, số nhân, nhưng cũng đồng nghĩa với việc họ phải chấp nhận rủi ro, thậm chí phá sản. Tuy nhiên, dù thế nào, đó cũng là tư duy vận động, hướng tới phát triển chứ không phải tư duy an phận thủ thương – bằng lòng “lương tháng” như trước đây.
Nói câu chuyện này để thấy rằng, để bắt kịp với sự vận động nói chung của người Việt và xã hội trong thời đại 4.0 đang phát triển như vũ bão, triết lý giáo dục con người Việt Nam cũng cần phải thay đổi.
Mà triết lý – thực ra không phải là điều gì to tát, nó hiển thị ngay ở thực tế và nhu cầu đời sống, xã hội.
Xã hội Việt Nam truyền thống là xã hội nông nghiệp trồng lúa nước rất “âm tính”, với đặc trưng cơ bản là chỉ muốn sống yên ổn, ổn định. Muốn ổn định thì xã hội cần những con người ngoan ngoãn, biết vâng lời. Bởi vậy mà triết lý giáo dục truyền thống của Việt Nam có thể tóm gọn trong bốn chữ cửa miệng mà mọi người Việt Nam, các trường học Việt Nam thường dùng, là “con ngoan, trò giỏi”. Nói đầy đủ hơn, đó là một triết lý giáo dục hướng đến ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, triết lý này cần chuyển sang hướng đến phát triển: “con có bản lĩnh, trò dám sáng tạo”.
Xã hội muốn phát triển thì văn hóa phải thiên về “dương tính”. Điều đó có nghĩa là con người sẽ bỏ dần chủ nghĩa cộng đồng làng xã, để thay vào đó là bản lĩnh cá nhân và ý thức cộng đồng xã hội. Sẽ phải coi trọng sự trung thực hơn là khôn khéo; ý thức trách nhiệm thay cho thói dựa dẫm; tính khoa học và sáng tạo thay cho lối làm việc đối phó, tùy tiện…
Vì có bản lĩnh nên mỗi người sẽ nghĩ một kiểu. Cùng học một môn nhưng mỗi người sẽ tiếp thu một cách khác nhau. Mỗi người sẽ là một thế giới riêng biệt không ai giống ai, chứ không phải là những rô-bốt từ trong nhà máy sản xuất ra. Đa dạng hóa xã hội, đa dạng hóa tư duy thì đó mới là xã hội thực sự của con người. Đa dạng nhưng tất cả cùng nhau hướng đến những mục đích tốt đẹp nhất cho xã hội chứ không phải là đào tạo thì theo một khuôn mẫu chung còn khi đi ra xã hội thì mạnh ai nấy làm, không hợp tác được với nhau.
Triết lý giáo dục “con ngoan, trò giỏi” cần chuyển sang “con có bản lĩnh, trò dám sáng tạo”. Ảnh: S.T
Tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và robot đã khiến nhiều người tin rằng, thời đại robot đang đến rất gần, và đó chắc chắn là một xu hướng tất yếu. Để phát triển trong thời đại như vậy, con người ắt hẳn phải hơn “robot” một cái đầu. Và đó chính là một quá trình khám phá không có điểm dừng. Tất cả mọi phát minh, sáng kiến, khám phá… đều nảy sinh trên cơ sở nghi vấn những gì đã có và đang có, kể cả việc lý giải những hiện tượng tự nhiên, hay chuẩn mực.
Vì thế, tư duy phản biện, vốn đã không phải là điểm mạnh của truyền thống văn hóa “âm tính”, sẽ càng trở nên cấp thiết trong mục tiêu giáo dục của chúng ta. Nó sẽ giữ vai trò to lớn trong đời sống xã hội, giúp con người vượt ra khỏi cách suy nghĩ theo khuôn mẫu, thói quen có sẵn; hướng đến cái mới, thoát ra khỏi những rào cản của định kiến; tìm hiểu, phát hiện những ý tưởng, giá trị mới của vấn đề; tạo tâm thế sẵn sàng tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ trong suy nghĩ và hành động; có ý thức nhìn nhận mọi vấn đề dưới góc nhìn mới, đưa lại kết quả mới, kích thích khả năng sáng tạo.
Mục tiêu của xã hội nào, suy cho cùng cũng là tạo nên những con người thực sự nhân văn, là phát triển năng lực. Vì vậy, trước khi chờ đợi sự thay đổi của môi trường xã hội, nhà trường hay gia đình, chính bản thân mỗi con người, nhất là giới trẻ cần có sự thay đổi. Dám đương đầu, chấp nhận thách thức và sẵn sàng đối mặt với những "cơn gió ngược" để khẳng định bản lĩnh và giá trị bản thân sẽ là hệ giá trị văn hóa cần khuyến khích phát huy trong thời đại mới.
Theo GS TSKH Trần Ngọc Thêm/ enternews