Con đỗ hai trường đại học tốt nhất TQ, ông bố nông dân tiết lộ bí quyết giáo dục chỉ 4 chữ
Từ trước đến nay, hầu hết các gia đình đều quan niệm rằng, người lớn mới là người dạy dỗ, còn con cái luôn đóng vai "học sinh" dù là ở trường hay ở nhà.
Cũng xuất phát từ quan niệm ấy, mà việc con cái góp ý, nhắc nhở cha mẹ đôi khi bị lên án như một hành động "dạy đời" và thiếu lễ phép.
Nhưng ít ai biết rằng, việc biến thế hệ sau thành thầy cô của chúng ta sẽ giúp các em khai mở những tiềm năng vô hạn ẩn chứa bên trong bản thân mình.
Câu chuyện về giáo dục gia đình của một ông bố nông dân có hai con đỗ vào những trường đại học khó nhất Trung Quốc dưới đây chính là minh chứng cho điều đó.
Từ câu chuyện "học con" của người bố nông dân...
Cách đây không lâu, cộng đồng mạng Trung Quốc không khỏi xôn xao về câu chuyện của một người bố nông dân có con gái đang học Đại học Thanh Hoa, con trai vừa đỗ trường Đại học Bắc Kinh. Đây đều là hai trong số những trường đại học có điểm đầu vào cao nhất Trung Quốc.
Điều đáng chú ý hơn là, bí quyết để có được hai người con ưu tú như vậy của ông bố nông dân trong câu chuyện lại chỉ gói gọn trong 4 chữ không ai ngờ tới - "để con làm thầy"!
Câu chuyện giáo dục của một người cha nông dân có hai con đỗ đại học trọng điểm từng gây xôn xao dư luận Trung Quốc suốt một thời gian dài. (Ảnh minh họa).
"Trên một chuyến tàu đi về Bắc Kinh, tôi có dịp ngồi cạnh một vị phụ huynh của hai sinh viên đại học. Người cha ấy tự hào mà kể với tôi rằng, con gái của ông đang là sinh viên năm 3 trường Thanh Hoa, con trai năm nay vừa mới đỗ vào Đại học Bắc Kinh.
Khi đó, tôi có hỏi người cha nông thôn ấy rằng:
‘Các con nhà bác đỗ vào những trường trọng điểm hàng đầu cả nước, bác có thể cho tôi xin bí quyết được không?’
Không ngờ rằng, câu trả lời của người cha ấy hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi. Ông mỉm cười và nói:
‘Thú thực, tôi chỉ là một nông dân chẳng có học hành gì. Tôi cũng chẳng có bí quyết nuôi dạy con nào cả. Tôi chẳng qua chỉ là để cho bọn trẻ dạy mình mà thôi!’
Thì ra, người cha ở nông thôn ấy vì nhà nghèo mà từ nhỏ đã không được đi học, thậm chí còn không biết chữ. Ông không có cách nào kèm cặp, giúp đỡ con cái của mình trong việc học tập.
Thế nhưng, ngay cả khi học vấn không cao, ông vẫn không để con cái tự "ngụp lặn" trong biển khơi kiến thức, mà quyết định biến các con trở thành "người lái đò" cho mình trong công cuộc chinh phục tri thức ấy bằng cách để con làm thầy.
Hàng ngày sau khi con tan học, ông đều nhờ con đem những gì thầy cô giáo dạy trên lớp giảng lại cho mình nghe một lần. Khi con làm bài tập, ông sẽ ở bên cạnh nghiền ngẫm, có chỗ nào không hiểu liền hỏi ngay.
Có đôi khi gặp phải một vấn đề mà cả hai bố con đều không giải quyết được, ông sẽ nhắc nhở con đánh dấu lại phần đó để hôm sau tới lớp xin thầy giáo giảng lại.
Hóa ra, bí quyết để nuôi dạy hai con trở thành nhân tài đất nước của người bố ấy chỉ gói gọn trong 4 chữ: "Để con làm thầy". (Ảnh minh họa).
Cứ như vậy, hai người con trong gia đình nông dân ấy vừa làm học sinh, vừa làm thầy giáo.
Trải qua năm tháng trau dồi, rèn luyện, khả năng học tập, nghiên cứu cũng như diễn giải của các em đều tăng lên rất nhiều, thành tích học tập cũng không ngừng tiến bộ.
Cuối cùng, hai đứa trẻ ấy đều không phụ lòng người cha làm nông dân, thi đỗ hai trường đại học trọng điểm hàng đầu cả nước…"
...đến ý nghĩa to lớn của phương pháp giáo dục mang tên "để con làm thầy"
Sau khi đọc xong câu chuyện ấy, chắc hẳn có không ít các bậc phụ huynh sẽ nghĩ rằng:
"Đi làm cả ngày đã quá mệt mỏi rồi, về đến nhà còn phải lo cơm nước, dọn dẹp, làm gì có nhiều thời gian rảnh rỗi mà nghe con dạy như vậy?"
Quan trọng hơn là có nhiều gia đình sẽ mang theo quan điểm rằng:
"Làm người lớn mà phải để cho đứa trẻ con dạy mình thì còn mặt mũi nào nhìn ai nữa?"
Kỳ thực, chính những suy nghĩ này mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch về năng lực học tập giữa con cái của của chúng ta với con nhà người khác.
Trước khi suy nghĩ về những thứ mà chúng ta cho là "hậu quả" nếu để con cái "dạy đời" cha mẹ, thì hãy xem việc cho con làm thầy sẽ mang lại ý nghĩa như thế nào với cuộc đời các bé.
1. Để con làm thầy sẽ giúp con đạt được cảm giác thành tựu
Cho con cái làm thầy cô của cha mẹ khi về nhà sẽ giúp các bé được trải nghiệm cảm giác thành tựu, từ đó nâng cao năng lực nghiên cứu và tinh thần tích cực trong học tập của các em. (Ảnh minh họa).
Không thể không thừa nhận rằng, trẻ em ngày nay đang dần trở nên bị động trong việc học hành. Ngay tới việc làm bài tập về nhà cũng thường xuyên phải để cha mẹ thúc giục hết lần này tới lần khác.
Trên thực tế, bất kể là ai cũng không thích bị người khác đốc thúc, ép buộc. Đây cũng là lý do vì sao người lớn càng nhắc thì con trẻ càng "chống chế". Đôi khi, việc các em không thích học bài, làm bài không xuất phát từ tâm lý ghét học, mà là do các em không thích bị người lớn thúc bách, bắt ép mà thôi.
Trong khi đó, cách dạy con của người bố nông dân trong câu chuyện trên chính là một cách hóa giải hợp lý cho tình trạng này.
Mỗi ngày, bạn nên dành ra 20 phút sau khi con tan học để các bé đem lại nội dung toàn bộ buổi học giảng lại cho cha mẹ một lần.
Vào những ngày đầu tiên, con của bạn có thể sẽ hơi xấu hổ, nói năng ấp úng. Nhưng chỉ một tuần sau, các bé hoàn toàn có đủ khả năng thuyết trình lưu loát nội dung học trên lớp.
Cách này không chỉ giúp các em có điều kiện ôn lại bài học mà còn tăng thêm tính tích cực đối với học tập của con trẻ. Suy cho cùng, mục đích chính của việc để con làm thầy chính là bồi dưỡng cho các em tinh thần yêu học tập, từ đó nâng cao hiệu quả tiếp thu và cải thiện thành tích nghiên cứu của các em.
2. Để con làm thầy giúp các bé có được năng lực độc lập
Biến con thành thầy cô giáo của cha mẹ sẽ giúp các em nâng cao khả năng tự lập của mình ngay từ khi còn nhỏ. (Ảnh minh họa).
Hiện nay, ngày càng có nhiều các bậc phụ huynh chấp nhận hy sinh thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi của mình để kèm cặp con trẻ. Nhưng việc kèm cặp một cách thái quá ấy không chỉ biến việc học tập trở thành gánh nặng của cả gia đình mà đôi khi còn phản tác dụng.
Bởi tâm lý thường thấy là mỗi khi con cái hơi tỏ ra "vò đầu bứt tai" vì bài tập khó, các bậc cha mẹ sẵn sàng cung cấp cho các em đáp án một cách nhanh chóng.Trải qua vài lần như vậy, con cái sẽ hình thành tâm lý coi việc học là trách nhiệm của cha mẹ, từ đó giảm đi ý thức tự giác và dần trở nên phụ thuộc.
Trở lại câu chuyện của người bố nông dân, bởi ông không có học vấn cao nên không cách nào dạy con học tập. Điều này nhìn qua có vẻ là một khuyết điểm, nhưng chính nó lại giúp con cái của ông có được năng lực tự lập rất cao.
Nên nhớ rằng, đứa trẻ không có dù đi mưa, một khi gặp mưa tất sẽ phải chạy nhanh về nơi có chỗ trú. Cũng giống như vậy, đứa trẻ từ nhỏ đã không có sự giúp sức của cha mẹ ắt sẽ phải học cách tự lực, tự cường.
3. Để con làm thầy là cơ hội cùng con trò chuyện
Những giờ giảng dạy của các thầy giáo, cô giáo nhỉ chính là khoảng thời gian tuyệt vời để cha mẹ có cơ hội gần gũi và tâm tình cùng con. (Ảnh minh họa).
Có bao giờ bạn tự hỏi rằng, đã bao lâu bạn không cùng con cái tâm sự, trò chuyện một lần?Nhiều bậc phụ huynh vẫn thường cảm thấy bất mãn, ấm ức, bởi con cái của họ luôn tỏ thái độ lạnh nhạt với cha mẹ mình.
Vì sao lại như vậy?
Bởi có vô số gia đình vẫn dùng phương pháp "quản chế" để dạy dỗ con gái của mình. Mỗi khi tức giận, họ sẽ không ngần ngại lớn tiếng với con mình. Có đôi lúc ý kiến khác nhau, họ cũng sẽ áp đặt con cái phải tuân theo quan điểm của mình.
Tuy nhiên, muốn cùng con cái giao lưu, các bậc phụ huynh trước tiên nên hạ "cái tôi" của mình xuống. Mà để con cái làm thầy chính là một cách tuyệt vời để giúp con trẻ và cha mẹ "câu thông".
Trải qua những "giờ lên lớp" của các cô giáo, thầy giáo nhí, cha mẹ vừa có cơ hội giao lưu, vừa giúp con mình có cơ hội phát triển.
Câu chuyện của người cha nông dân có hai con đỗ đại học trọng điểm đã giúp chúng ta hiểu được rằng, sự thành công của một đứa trẻ phần nào được quyết định bởi phong cách giáo dục của gia đình, mà một gia đình thực sự "cao minh" sẽ có những bậc phụ huynh biết "giả vờ ngốc nghếch" để cho con cái cơ hội làm thầy của mình.
Theo Trí thức trẻ