3 bí quyết giúp nhà lãnh đạo xây dựng đội ngũ vững mạnh
Công việc chính của nhà lãnh đạo là đối nhân xử thế. Nói cách khác, họ phải là những người có khả năng xoay trở một cách hòa hợp mọi cá tính trong nhóm với nhau để đạt công suất tối ưu cũng như xây dựng một tổ chức mạnh mẽ.
"Đối tượng làm việc của chúng tôi hết sức đa dạng. Họ là các cá nhân với kinh nghiệm, niềm tin, lý tưởng, thái độ riêng biệt. Người quản lý sẽ phải khai thác tối đa năng lực từ các thành viên trong nhóm bằng cách thúc đẩy, truyền cảm hứng và khuyến khích họ tìm tòi, phát triển", Bryan Adams - tác giả, CEO một công ty truyền thông kỹ thuật số cho biết
Lãnh đạo một nhóm gồm các cá thể với tính cách đa dạng không phải là công việc đơn giản. Nếu bạn nghĩ mình đã hiểu được đồng đội của mình chỉ vì bạn biết sở thích của họ hay tên con vật mà họ yêu thích thì hãy suy nghĩ lại. Để có thể dẫn dắt đội ngũ một cách hiệu quả, dưới đây là vài bí quyết:
1. Xây dựng văn hóa kỷ luật
Việc xây dựng văn hóa kỷ luật trong tổ chức sẽ giúp người lãnh đạo vượt qua mọi rào cản khác biệt, bất kể tính cách của các thành viên có đa dạng như thế nào.
Nếu tổ chức của bạn có thành viên thuộc tuýp người hướng nội, thì theo bác sĩ Gia Sison - chuyên gia về y pháp lao động, người lãnh đạo nên biết tôn trọng thời gian và không gian riêng tư của họ.
"Việc ép buộc họ phải hòa đồng sẽ không giúp họ phát triển", bà Sison nói, đồng thời nhấn mạnh rằng người lãnh đạo nên cảm thấy họ thật may mắn khi thành viên của mình có khả năng tập trung cao độ hơn trong các công việc.
Một điều không kém phần quan trọng cần được lưu ý nữa là mỗi thành viên đều có sở thích cũng như mong muốn riêng tại nơi làm việc. Nội quy hoạt động của công ty không thể phù hợp cho tất cả; tuy nhiên, việc hiểu rõ sở thích của các thành viên sẽ giúp người lãnh đạo có cách quản lý hiệu quả đối với từng người, qua đó khai thác thế mạnh của mỗi người.
2. Công nhận sự nỗ lực của nhân viên
Để cải thiện sự tự tin của cả nhóm, người lãnh đạo không nên quên việc công nhận nỗ lực của nhân viên và đưa ra các phản hồi tích cực.
Theo doanh nhân, diễn giả Marcel Schwantes, "các nhà lãnh đạo vĩ đại không cần đến vinh quang hay tìm kiếm sự công nhận. Thay vào đó, họ đặt sự quan tâm của mình vào những người khác, và thể hiện sự công nhận với thành tựu của các đồng đội - điều sẽ giúp thúc đẩy sự tự tin và tin tưởng của người khác vào bản thân họ".
Thế nên, người lãnh đạo hãy gửi gắm lòng tin cho những người xứng đáng được nhận. Chắc chắn, nó sẽ hữu dụng trong cả một chặng đường dài.
3. Gắn kết mọi người
Người lãnh đạo có thể cảm thấy dễ dàng để gắn kết những người hướng ngoại, vì họ thường là những con người bộc trực. Tuy nhiên, trong một cuộc thảo luận, những người hướng ngoại sẽ có xu hướng lôi kéo và dẫn dắt câu chuyện; nếu là người lãnh đạo, bạn cần điều hướng cuộc trò chuyện về đúng mục tiêu ban đầu.
Ngược lại, người hướng nội sẽ khó bắt đầu cuộc trò chuyện hơn. Và, để có thể "lấy" được các ý tưởng của họ, bà Sison, "Chỉ việc đưa họ vào cuộc trò chuyện chung. Nếu bạn có một cuộc họp, họ sẽ cảm thấy rất quan trọng khi ý kiến của mình được nhận định".