Phát triển đào tạo từ xa đúng hướng
Trong những năm qua, hình thức ÐTTX thu hút sự quan tâm của người dân vì điều kiện học tập thuận lợi, mở ra cơ hội học tập cho nhiều người. ÐTTX không bị hạn chế về thời gian, địa điểm, tăng khả năng tự học và người học không bị ràng buộc bởi thời gian eo hẹp khi bận công tác hoặc do hoàn cảnh gia đình. Với những người lao động do nhu cầu công việc cần phải được đào tạo nâng cao trình độ, cập nhật kỹ năng nghề nghiệp nhưng không có nhiều thời gian thì ÐTTX là lựa chọn hợp lý. ÐTTX giảm khá nhiều chi phí bởi người dạy và người học không nhất thiết phải lên lớp trong suốt thời gian đào tạo.
Giờ học trực tuyến của sinh viên hệ đào tạo từ xa Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: QUANG MINH
Người học qua hình thức ÐTTX phần lớn tự học qua học liệu như: Giáo trình, băng hình, phần mềm vi tính, truyền thông, đa phương tiện… dưới sự tổ chức, trợ giúp của nhà trường. Ở Việt Nam hiện nay có hai hình thức ÐTTX gồm: Ðào tạo kiểu truyền thống người học tự học tập, nghiên cứu qua giáo trình, tài liệu, sau đó có sự hướng dẫn trực tiếp giải đáp một số buổi trên lớp; đào tạo trực tuyến (E- Learning).
Mặc dù hình thức ÐTTX có nhiều ưu điểm và được triển khai ở Việt Nam từ nhiều năm trước nhưng thực tế hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Theo PGS, TS Lê Văn Thanh, trưởng nhóm nghiên cứu về ÐTTX của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), cả nước hiện có 21 trường đại học được phép tiến hành các chương trình ÐTTX nhưng chỉ có 17 trường tuyển sinh được. Quy mô ÐTTX ngày càng giảm. Nếu như năm 2012, quy mô ÐTTX của cả nước là hơn 161 nghìn sinh viên thì đến cuối năm 2016, còn lại hơn 70 nghìn sinh viên. Nhiều trường chưa thật sự đầu tư công sức, tài chính để biên soạn học liệu và phát triển công nghệ dẫn đến tổ chức ÐTTX nhưng lại dạy tập trung ở các địa phương.
Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa quy định rõ ràng về tiêu chuẩn học liệu trong ÐTTX, cho nên mỗi trường làm một kiểu dẫn đến không có sự kiểm soát chất lượng. Nhiều trường chưa có đủ học liệu cho nên đã dùng giáo trình đào tạo chính quy tập trung để sinh viên ÐTTX học tập. Việc biên soạn học liệu và giảng dạy chủ yếu là đội ngũ giảng viên dạy chính quy chưa có nghiệp vụ và phương pháp phù hợp với hình thức ÐTTX. Ngoài ra, công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá trong ÐTTX chủ yếu theo hình thức tự luận, tổ chức tại các địa phương cho nên còn chưa nghiêm túc, thiếu khách quan. Với phương thức tuyển sinh đầu vào chỉ xét tuyển, thi tốt nghiệp lại theo quy trình lạc hậu như hiện nay thì tỷ lệ tốt nghiệp của ÐTTX chỉ đạt khoảng 30% đến 40%...
Theo PGS, TS Lê Văn Thanh, Bộ GD và ÐT cần xây dựng bộ tiêu chí trong kiểm định chất lượng; triển khai các giải pháp nhằm chấn chỉnh, xử lý những hiện tượng tiêu cực, không bảo đảm chất lượng trong ÐTTX của các đơn vị. Tiến sĩ Phan Thị Ngọc Thanh (Trường đại học Mở TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Bộ GD và ÐT không chỉ có văn bản pháp quy quy định cụ thể về kiểm định và bảo đảm chất lượng mà cần tiến hành kiểm định cụ thể thực tế các đơn vị khi đạt chuẩn mới cấp phép ÐTTX.
Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, Giám đốc Viện đại học Mở Hà Nội nhìn nhận, chất lượng là vấn đề quan tâm hàng đầu của cơ sở giáo dục đại học. Các hình thức đào tạo đại học trong cùng một cơ sở đào tạo phải được kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo cùng một nội dung về chuẩn năng lực. Ðể bảo đảm nâng cao chất lượng hình thức ÐTTX cần dùng chung ngân hàng đề thi với hình thức đào tạo chính quy và được tổ chức thi hết học phần như nhau. Cần đánh giá một chuẩn chất lượng như nhau của các hình thức đào tạo và ghi nhận thông qua văn bằng tốt nghiệp thống nhất trong hệ thống giáo dục đại học.
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thu (Trường ÐH Mở TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các cơ sở ÐTTX cần chú trọng vào việc xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên ÐTTX; nhất là đào tạo bồi dưỡng về kỹ năng biên soạn nội dung, chương trình, phương pháp tổ chức học tập đối với ÐTTX. Nâng cao trình độ giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào giảng dạy. Ðối với Bộ GD và ÐT cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc quản lý ÐTTX của các cơ sở giáo dục đại học.
Chính phủ cần có chính sách và giải pháp liên bộ, ngành để giúp ÐTTX đạt được vai trò và vị trí trong hệ thống giáo dục quốc dân như: Xây dựng và thực hiện chính sách tuyển dụng, đề bạt công khai, công bằng trên cơ sở đánh giá năng lực thực tế của nguồn nhân lực, không phân biệt văn bằng, hình thức ÐTTX hay không; xây dựng các chính sách đầu tư đúng mức, đưa ra giải pháp hiệu quả tích cực nhằm giúp phát triển chủ trương học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập thông qua ÐTTX nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế- xã hội đất nước…
Theo NDĐT