Thủ thuật biến mỗi ngày đều là… một kỳ nghỉ
Giai đoạn cuối năm luôn là một thời điểm khá kỳ lạ với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Bởi với đa số nhân viên, cuối năm là thời điểm của các kỳ nghỉ, các khoản tiền thưởng,… thì với nhà quản trị, người điều hành, cuối năm thường là thời gian cho những cú bứt phá, những nỗ lực cuối cùng nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm.
Và cũng chính bởi sự mong chờ khác nhau đó, mà có nhiều vấn đề xuất hiện ở doanh nghiệp trong các dịp nghỉ lễ như Giáng sinh, Tết Dương lịch…
Cụ thể, theo một nghiên cứu mới đây được Công ty Nghiên cứu thị trường GfK thực hiện, dựa trên việc khảo sát 7.331 người trong độ tuổi lao động ở Mỹ, với các vai trò từ nhân viên cho tới nhà quản trị cấp cao, thì 46% nhân viên phải thường xuyên kiểm tra hộp thư điện tử giữa kỳ nghỉ và điều này khiến 51% nhân viên (trong tổng số 46%) gặp các rắc rối liên quan đến căng thẳng thần kinh.
Tỷ lệ này được nhóm nghiên cứu giải thích là vì ở phía nhà quản trị, chỉ có 14% là hoàn toàn không nghĩ tới công việc trong suốt kỳ nghỉ của mình. Thậm chí, với nhà quản trị cấp cao, con số này chỉ ở mức chưa tới 7%.
“Thế giới kinh doanh ngày nay đang quá khốc liệt, đặc biệt là với doanh nghiệp khởi nghiệp. Phương châm của doanh nghiệp nào cũng thường là chăm chỉ hơn đối thủ một chút. Vì vậy, ngay cả khi nghỉ ngơi, công việc vẫn bám lấy chúng ta” – Katie Denis, người đứng đầu cuộc khảo sát, cho biết.
Tất nhiên, chúng ta không thể khuyên nhà quản trị nên nghỉ ngơi thoải mái, hay nên tiếp tục giữ vững nhịp độ công việc, vì mỗi doanh nghiệp có một môi trường văn hóa riêng, mỗi nhà quản trị có một cách điều hành khác nhau. Tuy nhiên, có một số điểm nhà quản trị cần đặc biệt lưu tâm để tránh gây xung đột cho nội bộ, khi mà những kỳ nghỉ đang cận kề.
Trong kỳ nghỉ, hãy… dừng liên lạc với nhau
Một nghiên cứu được thực hiện bởi The University of Texas, dựa trên khảo sát từ 713 người trưởng thành tới từ sáu nước là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha, đã chỉ ra rằng, làm việc trong kỳ nghỉ, dù chỉ trong một giờ, cũng có thể khiến cảm giác được nghỉ ngơi của bạn giảm đi 1,43 lần.
Do đó, bất cứ email (thư điện tử), cuộc gọi, tin nhắn nào nhà quản trị gửi đi trong kỳ nghỉ, đều phải cực kỳ thận trọng và có tính toán. Bởi không chỉ phá hỏng kỳ nghỉ của nhà quản trị lẫn nhân viên, mà cứ mỗi email, cuộc gọi, tin nhắn nhà quản trị gửi cho nhân viên, là một tín hiệu cho mọi nhân viên thấy rằng, thời gian nghỉ là không có thực.
Những thông điệp như “Nhà quản trị không tin tưởng nhân viên” hoặc “Nhà quản trị không thể tổ chức tốt công việc để đi nghỉ thoải mái”… sẽ xuất hiện. Và từ thời điểm đó trở đi, sự cống hiến của nhân sự với doanh nghiệp sẽ bắt đầu giảm sút.
“Nhiều nhà quản trị của doanh nghiệp khởi nghiệp làm việc từ sáng đến tối. Thậm chí nhiều nhà quản trị tôi biết sẵn sàng bật điện thoại 24/7, phản hồi công việc với nhân viên mọi lúc, mọi nơi. Họ nghĩ điều đó thể hiện một ý chí quyết tâm cao độ cho công việc. Nhưng cuộc sống cần sự cân bằng và nhân viên của bạn không chỉ có công việc” – Katie Denis kết luận trên Harvard Business Review.
Thay vì trông chờ những kỳ nghỉ, hãy xem mỗi ngày là một kỳ nghỉ
Trong một nghiên cứu với quy mô 855 người, kéo dài suốt ba tuần, được trường Đại học Johannesburg (Nam Phi) thực hiện, thì thời điểm năng suất lao động giảm mạnh nhất thường là thời điểm cận kề các kỳ nghỉ.
Bởi đây là thời điểm nhiều nhân viên rơi vào cảm giác đợi chờ, dẫn tới xao nhãng công việc, muốn được nghỉ ngơi sớm,… Thậm chí, nhiều nhân viên còn gặp phải các hội chứng rối loạn lo âu.
Có một bí quyết được Leo Babuta, chuyên gia huấn luyện nhân sự, khuyên doanh nghiệp nên rèn giũa cho nhân sự của mình, đó là hãy tạo ra cho nhân viên cảm giác mỗi ngày làm việc như một ngày nghỉ.
“Bạn đã bao giờ nhận thấy rằng những ý tưởng tốt nhất của bạn thường xuất hiện trong khi tắm, tập thiền, hay tập thể dục? Đó là bởi khi ấy, bạn cho phép tâm trí của mình đi lang thang. Bởi bạn không phải suy nghĩ logic, phân tích, tính toán, xây dựng chiến lược,… Bạn thoải mái để trí não trôi theo những thứ vô cùng kỳ cục” – Leo Babuta chia sẻ trên trang Fast Company.
Ngoài việc để tâm trí lang thang với những cách trên, Leo Babuta liệt kê hai phương pháp khác, đó là giữ cho tâm hồn bạn như một đứa trẻ và tạo ra một ngày làm việc thật hoàn hảo.
Đầu tiên, là giữ tâm hồn như một đứa trẻ. Bởi đa số chúng ta khi trưởng thành thường rơi vào cái bẫy “tất cả là công việc và không có chỗ để vui chơi”, nên cuộc sống của chúng ta dần tẻ nhạt. Các kỳ nghỉ nhờ thế là một cách để quay về với những cảm giác vui nhộn của đứa trẻ từng có trong con người chúng ta, chúng sẽ mang lại một chút năng lượng vui tươi để chúng ta trở lại nơi làm việc.
Do đó, mỉm cười thường xuyên, giữ sự tò mò, thay đổi không gian làm việc, không ngại bộc lộ bản thân, là cách để chúng ta thực hiện phương pháp này.
Phương pháp thứ hai là tạo ra một ngày làm việc thật hoàn hảo và Cynthia Maxwell, cựu Giám đốc kỹ thuật của Yahoo và Apple, là một điển hình. Cynthia Maxwell đã thực hiện phương pháp một ngày làm việc thật hoàn hảo bằng cách liệt kê những việc chuẩn mực cần phải thực hiện để có một ngày hoàn hảo. Từ đây, Cynthia Maxwell cố gắng hoàn thiện những việc này, lặp đi lặp lại chúng, để tạo ra một hệ thống chuẩn mực riêng trong công việc.
“Nếu tôi thắng cuộc xổ số vào ngày mai, tôi vẫn sẽ đi làm. Trước đây, tôi luôn ngồi đếm từng ngày để chờ đợi kỳ nghỉ lễ tiếp theo. Nhưng hiện tại, tôi đã thiết lập được một cuộc sống mà không cần bất cứ một kỳ nghỉ lễ nào. Tất nhiên, tôi vẫn nghỉ lễ, bởi lúc ấy, mọi người đã nghỉ hết, mà tôi thì chẳng thể có một ngày làm việc hoàn hảo nếu tôi đi làm một mình” – Cynthia Maxwell hóm hỉnh kết luận.
Theo DNSG