• :
  • :

Xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh ngành công nghiệp, đặc biệt liên quan kiểm kê khí nhà kính

Giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.

Xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh ngành công nghiệp, đặc biệt liên quan kiểm kê khí nhà kính
Toàn cảnh hội thảo

Ngày 22/12, tại Hà Nội, Báo Xây dựng phối hợp cùng Liên minh hỗ trợ công nghiệp Việt Nam (Visa) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp - Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải”.

Đây là hội thảo chuyên sâu nhằm đưa ra những phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa của kiểm kê khí nhà kính trong sản xuất công nghiệp; Giới thiệu các chính sách về biến đổi khí hậu của Việt Nam cùng những hướng dẫn chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước nhằm tập chung hỗ trợ tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất Công nghiệp, vật liệu xây dựng; Cung cấp kiến thức về các phương pháp, tiêu chuẩn kiểm kê phổ biến, những đòi hỏi cấp thiết từ thị trường, tăng cường năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp... về sử dụng dữ liệu phát thải, phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng...

Xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh ngành công nghiệp, đặc biệt liên quan kiểm kê khí nhà kính
Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu tham dự

Hội thảo tập trung vào các nội dung: Kiểm kê khí nhà kính; Những yêu cầu báo cáo kiểm kê từ những nhà cung cấp, nhà đầu tư và các nước châu Âu nhập khẩu một số mặt hàng của doanh nghiệp; Hậu kiểm kê và vai trò trong lộ trình chuyển đổi xanh; Khuyến nghị doanh nghiệp sử dụng dữ liệu kiểm kê hướng tới hoạch định chiến lược giảm phát thải; Tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp... về sử dụng dữ liệu phát thải, những giải pháp xanh từ hệ sinh thái tác động đến việc xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, ứng dụng nhiên liệu sạch khí hoá lỏng (LNG) trong sản xuất công nghiệp; Chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ những đơn vị đã có hành động hướng tới trung hòa carbon, nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp, vật liệu xây dựng và cơ sở hạ tầng xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho nội tại công ty và thực hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội…

Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cao rằng, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0", bên cạnh các nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể được đưa ra thì Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình. Theo đó, các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.

Xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh ngành công nghiệp, đặc biệt liên quan kiểm kê khí nhà kính
Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) phát biểu tại hội thảo

Đại diện ngành xây dựng tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh cũng thẳng thắn thừa nhận, trong ngành xây dựng, hai nhóm đối tượng phát sinh khí nhà kính lớn nhất là sản xuất vật liệu xây dựng và phát thải trong các toà nhà. Để thực hiện nghĩa vụ giảm 74,3 triệu tấn CO2 tương đương, dự kiến trong năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý của ngành xây dựng.

“Để giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp SXVLXD nói riêng, ngành công nghiệp nói chung thì cần có các giải pháp ứng dụng KHCN, chuyển đổi mô hình sản xuất để xanh hóa ngành công nghiệp sản xuất VLXD, xanh hóa ngành công nghiệp xây dựng góp phần xanh hóa nền kinh tế và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam” - ông Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cùng các chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ những phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa của kiểm kê khí nhà kính trong sản xuất công nghiệp.

Trên cơ sở các chính sách về biến đổi khí hậu của Việt Nam cùng những hướng dẫn chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp xanh, từ xây dựng hệ sinh thái tác động đến việc xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, ứng dụng nhiên liệu sạch LNG trong sản xuất công nghiệp; kinh nghiệm thực tế từ những đơn vị đã có hành động hướng tới trung hòa carbon và thực hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Nêu quan điểm về giải pháp tạo không gian phát triển mới cho Việt Nam, theo hướng chuyển đổi xanh, TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần thực hiện đồng thời các nhóm giải pháp như: Đẩy mạnh kiến tạo thể chế, chính sách cho tăng trưởng xanh đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 ở Việt Nam; Xây dựng chính sách, công cụ về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững; Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh và bảo hiểm xanh; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh. Và cuối cùng là nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh.

TS.Trần Đình Thiên đề nghị, lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh là để kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững và Việt Nam cần tập trung theo đuổi xu hướng này.

Xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh ngành công nghiệp, đặc biệt liên quan kiểm kê khí nhà kính

Ông Lương Quang Huy, Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ tại hội thảo

Trong khi đó, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu, (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lương Quang Huy cho rằng, ngành xây dựng nếu sử dụng vật liệu tái chế và có khả năng tái chế, đồng thời thiết kế các công trình để giảm lượng rác thải và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng.

Theo ông Lương Quang Huy, công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Một trong những xu hướng quan trọng nhất là sử dụng vật liệu tái chế và có khả năng tái chế trong quá trình xây dựng, đồng thời thiết kế các công trình để giảm lượng rác thải và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng.

Cũng theo ông Lương Quang Huy, về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế công trình xanh cần được thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, ban hành mới để thúc đẩy, hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành các dự án, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận về sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, trung hòa carbon. “Đáng chú ý, về nguồn nhân lực, cần tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực chuyên môn cho các đối tượng liên quan đáp ứng các yêu cầu về quản lý, nghiên cứu, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, đánh giá, chứng nhận, quản lý vận hành các dự án, công trình, sản phẩm vật liệu xây dựng xanh” - ông Lương Quang Huy nói.

Có thể thấy, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu của hiện tại và tương lai, lựa chọn hướng đi này là phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Chương trình hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp - Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải”có sự tham gia đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam); Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP; Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC).

PV

Lượt xem: 8
TIN LIÊN QUAN

Nội dung đang cập nhật...